SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
3
6
2
2
Tư vấn & Tìm hiểu pháp luật 27 Tháng Mười 2017 9:00:00 SA

Một số điểm mới của Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

Ngày 18 tháng 8 năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (gọi tắt là Nghị định số 97/2017/NĐ-CP). Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05 tháng 10 năm 2017, trong đó có một số điểm mới cần lưu ý:

1. Quy định rõ điều kiện để xác định đối tượng vi phạm hành chính là tổ chức. Cụ thể: tổ chức bị xử phạt khi có đủ các điều kiện: Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật; hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Về thẩm quyền xử phạt, bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành vào Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP. Theo đó, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị khiếu nại thì người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết hoặc chỉ đạo người đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính giải quyết theo quy định của pháp luật về thanh tra và khiếu nại.

Bổ sung nội dung cấp phó của những người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được giao quyền thì có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định số 97/2017/NĐ-CP cũng bổ sung thêm thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính, cụ thể: những chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại các Khoản 1, 2 Điều 38; các Khoản 3, 4, 5 Điều 39; Khoản 3 Điều 40; các Khoản 4, 5, 6 Điều 41; các Khoản 3, 4 Điều 42; các Khoản 2, 3, 4 Điều 43; các Khoản 3, 4 Điều 44; các Khoản 2, 3 Điều 45; các Khoản 1, 2, 3, 5 Điều 46; Điều 47; các Khoản 1, 2, 3 Điều 48; các Khoản 2, 4 Điều 49 Luật Xử lý vi phạm hành chính có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính có giá trị gấp 02 lần giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu của cá nhân vi phạm hành chính.

3. Nghị định cũng sửa đổi đối với quy định về người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Theo đó, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản.

Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản được quy định cụ thể tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.

Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại Khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Nghị định số 97/2017/NĐ-CP bổ sung quy định Quyết định về xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp sau: Có sai sót về kỹ thuật soạn thảo làm ảnh hưởng đến nội dung của quyết định; Có sai sót về nội dung nhưng không làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định.

Song song đó, Nghị định quy định Quyết định về xử lý vi phạm hành chính được đính chính khi có sai sót về kỹ thuật soạn thảo mà không làm ảnh hưởng đến nội dung của quyết định.

5. Đối với việc hủy bỏ, ban hành Quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP quy định, người đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính phải hủy bỏ nội dung quyết định khi thuộc một trong các trường hợp như: Có vi phạm quy định pháp luật về thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm hành chính; ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính; giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại Khoản 10 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính; có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đối với vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Còn đối với quy định về việc xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì phương tiện được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách Nhà nước để thay thế cho việc thực hiện hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, nếu không nộp sẽ bị cưỡng chế.

Ngoài ra, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP cũng bổ sung thêm quy định về thẩm quyền xử phạt trong trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm. Theo quy định, trường hợp các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định trị giá hoặc số lượng của hàng cấm và khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm có tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo quy định tại Chương II Phần thứ hai Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định của nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm không thuộc trường hợp nêu trên thì không tiến hành xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính mà phải chuyển hồ sơ vụ việc đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Khoản 2 Điều 12a của Nghị định.

Cũng theo Nghị định này, thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định; trừ trường hợp hết thời hiệu theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, thời hạn thi hành quyết định sửa đổi, bổ sung, quyết định mới về xử phạt vi phạm hành chính là 10 ngày làm việc; riêng quyết định về áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì cá nhân vi phạm phải thi hành ngay khi nhận được quyết định. Ngoài ra, Nghị định quy định tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc Nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính công ích; ngoài hình thức nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản qua ngân hàng đã quy định trước đây.

 HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUẬN 8

 


Số lượt người xem: 2292    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm