SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
4
5
7
1
Tư vấn & Tìm hiểu pháp luật 30 Tháng Sáu 2016 9:20:00 SA

Những điểm mới của Luật tố tụng hành chính năm 2015

Luật TTHC năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016; riêng các quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; pháp nhân là người đại diện, người giám hộ; hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân có liên quan đến Bộ luật dân sự năm 2015, thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.

Dưới đây là một số điểm mới của Luật TTHC năm 2015:

Một là, Luật TTHC 2015, quy định từ ngày 01/7/2016 trở đi những yêu cầu khởi kiện đối với các quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện do TAND cấp tỉnh thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Đây là quy định mới trong TTHC, người khởi kiện cần lưu ý để thực hiện quyền khởi kiện của mình đúng quy định của pháp luật. 

Người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại do QĐHC, HVHC gây ra và phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ. Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác. Trường hợp bên có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Tòa án có thể tách việc yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo pháp luật về tố tụng dân sự.

Thời hiệu khởi kiện là vụ án hành chính 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được QĐHC, HVHC (kể cả quyết định kỷ luật buộc thôi việc); 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn nêu trên, thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện. Các quy định của Bộ luật Dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong TTHC.

Hai là, cơ quan tiến hành tố tụng là: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Những người tiến hành TTHC gồm có: Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án; Viện trưởng Viện kiểm  sát, Kiểm sát viên. Ngoài ra, Luật còn bổ sung thêm địa vị pháp lý trong TTHC đối với Thẩm tra viên ngành Tòa án và Kiểm tra viên ngành Kiểm sát để thực hiện chức năng pháp lý khi được phân công tiến hành tố tụng. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng được quy định rõ ràng cụ thể tại Chương III của Luật TTHC.

Ba là, vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong TTHC. Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, phải có nhiệm vụ tham gia phiên tòa, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không phải hoãn phiên tòa như Luật TTHC hiện hành. Khi tham gia phiên tòa, phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Đồng thời, gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án. Trong các phiên họp xét kháng cáo quá hạn có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp Kiểm sát viên, người kháng cáo quá hạn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp. Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp được phân công phải có nhiệm vụ tham gia phiên tòa. Trong trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị mà Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.

Bốn là, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Tòa án xử lý, như sau: 

1) Nếu chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án đó kiến nghị theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền thực hiện việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

2) Nếu đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc vụ án đang được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì Hội đồng xét xử đề nghị Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án đó thực hiện việc kiến nghị hoặc đề nghị người có thẩm quyền thực hiện việc kiến nghị.

3) Tại phiên tòa, nếu Hội đồng xét xử phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật thì Hội đồng xét xử có văn bản báo cáo Chánh án Tòa án để thực hiện quyền kiến nghị. Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa để chờ ý kiến của Chánh án Tòa án hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi có văn bản kiến nghị của Chánh án Tòa án có thẩm quyền.

Năm là, giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp sơ thẩm là thủ tục giải quyết vụ án hành chính khi có các điều kiện: Vụ án có tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm đủ căn cứ giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài có thỏa thuận với đương sự ở Việt Nam đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn, nhằm rút ngắn về thời gian và thủ tục so với thủ tục giải quyết vụ án hành chính thông thường nhưng vẫn bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật. Tuy nhiên, Tòa án có thể quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường nếu thấy phát sinh các tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất và cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định; cần phải định giá tài sản nếu các đương sự không thống nhất về giá; cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phát sinh yêu cầu độc lập;phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp. Trong trường hợp này, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

Sáu là, thời hạn kháng cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn là 07 ngày kể từ ngày tuyên án. Trường hợp đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án, quyết định được giao cho họ hoặc được niêm yết công khai. Thời hạn kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định: Tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm như thủ tục thông thường. Việc xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành như thủ tục thông thường, nhưng do một Thẩm phán thực hiện trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử và Thẩm phán phải mở phiên tòa phúc thẩm. Phiên tòa có mặt các đương sự, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp; nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm.

Bảy là, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là: Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao; những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Tám là, thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài là vụ án thuộc một trong các trường hợp: Có đương sự là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; có đương sự là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài; việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính đó xảy ra ở nước ngoài; có liên quan đến tài sản ở nước ngoài. Trình tự thủ tục thụ lý giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài được quy định riêng tại Chương XVIII của Luật này. Trong trường hợp Chương này không có quy định thì được áp dụng các quy định khác có liên quan của Luật này để giải quyết.

Chín là, nghĩa vụ tài chính đối với các đương sự trong vụ án hành chính do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về án phí, lệ phí Tòa án; mức thu án phí, lệ phí Tòa án đối với mỗi loại vụ án; các trường hợp được miễn, giảm hoặc không phải nộp án phí và các vấn đề cụ thể khác liên quan đến án phí, lệ phí Tòa án. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn quy định cụ thể các chi phí tố tụng khác về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án và được quy định tại Chương XXII của Luật này.

Mười là, xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính đối với các hành vi: Vi phạm nội quy phiên tòa; xúc phạm uy tín của Tòa án, danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ của những người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án; cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án; cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; can thiệp vào việc giải quyết vụ án; cản trở việc giao, nhận, cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án; cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án; đưa tin sai sự thật nhằm cản trở việc giải quyết vụ án của Tòa án; của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.

Ngoài ra, trong hoạt động tố tụng hành chính, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người tiến hành tố tụng hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người khiếu nại, tố cáo có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Chương XXI của Luật này./. 

Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Q8


Số lượt người xem: 2459    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm