SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
4
1
8
5
Hoạt động khối phường 08 Tháng Năm 2019 4:00:00 CH

TIẾP XÚC, ĐỐI THOẠI TRỰC TIẾP VỚI NHÂN DÂN LÀ XÂY DỰNG Ý THỨC TÔN TRỌNG NHÂN DÂN, PHÁT HUY DÂN CHỦ, CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN

Đại hội XI của Đảng đã khẳng định, các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân; tin dân, tôn trọng những người có ý kiến khác; làm tốt công tác dân vận, có cơ chế, pháp luật để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình. Theo tinh thần đó, đối thoại trực tiếp với nhân dân là gặp mặt, bàn bạc, thảo luận trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, người đứng đầu chính quyền với nhân dân nhằm tranh thủ ý kiến đóng góp và tham vấn ý kiến về xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng và thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; về lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; ghi nhận để giải quyết kịp thời và có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cùng với những quy định của pháp luật, Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp phải trực tiếp đối thoại dân chủ, công khai với nhân dân, lắng nghe, giải quyết các vấn đề mà nhân dân đặt ra theo đúng pháp luật, vận dụng linh hoạt pháp luật trên cơ sở có lý, có tình để ổn định tình hình. Những ý kiến giải thích của cơ quan chức năng đối với các kiến nghị của công dân là cơ sở để từng hộ dân hiểu rõ hơn về chính sách, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong giải quyết khiếu nại, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đối thoại với nhân dân là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm góp phần phát huy dân chủ, quyền, trách nhiệm của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, góp phần cụ thể hoá cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Đối thoại góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, đồng thời là hình thức mở rộng quyền dân chủ của nhân dân, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thực hiện phương châm Đảng nói, dân tin, Mặt trận vận động, chính quyền thực hiện, dân ủng hộ. Đối thoại với nhân dân để nhân dân hiểu, thông cảm và chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong công tác điều hành của chính quyền, cũng là để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện sự tôn trọng nhân dân, củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Ðối thoại là cầu nối rất quan trọng, giúp cho việc lãnh đạo của cấp ủy và điều hành của chính quyền sát đời sống, gần với dân, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, lắng nghe, phục vụ người dân.

Tập trung giải quyết những kiến nghị 

Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân, cùng nhân dân tăng cường giám sát cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ và trong giữ gìn đạo đức, lối sống. Trong quá trình đối thoại, lãnh đạo trực tiếp tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cán bộ lãnh đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân với thái độ cầu thị, giải đáp những thắc mắc của dân, kịp thời phát hiện vướng mắc, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Tiếp xúc, đối thoại với nhân dân không phải là việc làm mới, nhưng là phương pháp rất phù hợp, hiệu quả nhằm định hướng và giải quyết cho dân những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Tại các buổi tiếp xúc, đối thoại, lãnh đạo phải thể hiện rõ sự chân thành, thẳng thắn, bình đẳng và tôn trọng người đối thoại. Vì vậy, người dân mạnh dạn trình bày những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình. Ưu điểm nổi bật nhất của đối thoại trực tiếp là có thể thực hiện thông tin hai chiều, với sự tham gia ý kiến của cả lãnh đạo và người dân. Theo đó, người dân có thể trình bày ý kiến về vụ việc của mình một cách tỉ mỉ, lãnh đạo cùng các ngành liên quan tiếp thu và giải đáp kịp thời những vấn đề mà họ đang bức xúc. Quan trọng hơn là những vấn đề mà người dân quan tâm sẽ được bàn thảo, giải quyết tận gốc. Nhờ đó, người dân được giải tỏa tâm lý về những việc còn đang băn khoăn, khúc mắc. Đối thoại thành công cũng có nghĩa là tư tưởng người dân được thông suốt. Đây chính là tiền đề rất quan trọng, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức cũng như hành động trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Hiện nay, cùng với sự bùng nổ thông tin và trình độ dân trí không ngừng nâng lên, nhu cầu tiếp nhận, đáp ứng thông tin cho người dân đã và đang đặt ra yêu cầu rất bức thiết. Hơn nữa, cùng một vấn đề nhưng thường có nhiều quan điểm, cách nhìn khác nhau, thậm chí đối lập nhau, chỉ thông qua các cuộc tranh luận, trao đổi trực tiếp giữa chủ thể với đối tượng mới có thể đi đến sự thống nhất. Bởi vậy, việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu chính quyền, người đứng đầu cấp ủy ngày càng trở nên cần thiết. Có thể khẳng định, việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền góp phần phát huy dân chủ, giúp nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, góp phần thực hiện hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền. Chính nhờ việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, trong đó quan trọng là vai trò của người đứng đầu đã giúp chính quyền địa phương nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Nâng cao chất lượng tiếp xúc, đối thoại

Việc lắng nghe, đối thoại với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ngày càng trở nên cần thiết và quan trọng, được dư luận đồng tình, hoan nghênh. Vì vậy, hoạt động đối thoại với nhân dân rất cần khắc phục các hạn chế, khó khăn để lan tỏa mạnh mẽ.

Thứ nhất, tránh việc triển khai mang tính hình thức, cần nghiên cứu phương pháp đối thoại cũng như các công việc liên quan sao cho thiết thực, hiệu quả, duy trì được nền nếp và đi vào chiều sâu, có tác dụng chuyển biến thực sự về tư duy và tác phong công tác, lãnh đạo của cán bộ.

Thứ hai, thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Không để xảy ra tình trạng có những trường hợp người dân đã phản ánh nhiều lần và bức xúc vì chưa nhận được sự quan tâm kịp thời. Ðến khi có cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với người dân thì vấn đề nêu trên mới được khắc phục.

Thứ ba, phát huy vai trò Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong vận động người dân tích cực phản ánh hành vi tiêu cực, biểu hiện suy thoái qua hộp thư góp ý, đường dây nóng.

Thứ tư, việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân không chỉ diễn ra định kỳ mà còn được tổ chức đột xuất khi có những vấn đề người dân bức xúc, sự việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng chưa dứt điểm. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền ngày càng mở rộng những nội dung công khai để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, nhất là những vấn đề liên quan đến tài chính, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng, trật tự đô thị,…

Thứ năm, tăng cường công tác nắm bắt dư luận xã hội, nâng cao khả năng dự báo tình hình, phát huy cao độ tính chủ động, bám sát cơ sở, hiểu rõ thực tiễn, địa bàn, kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh. Tăng cường hoạt động đối thoại giữa đại diện chính quyền với người dân, nhất là các địa bàn trọng điểm để tìm hiểu, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ người dân nhằm tạo dựng niềm tin, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ.

Thứ sáu, để ngăn ngừa hiệu quả việc cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, cần tập trung thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân; tiếp tục đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, chú trọng hình thức đưa cấp ủy viên, đảng viên ra tự phê bình trước nhân dân; tăng cường chỉ đạo việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc này; trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư, tạo điều kiện cho nhân dân tham dự các cuộc tiếp xúc với đại biểu dân cử nhiều hơn, khuyến khích thẳng thắn góp ý kiến xây dựng Ðảng, chính quyền, chất vấn sâu các vấn đề, nhất là lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị...

Thứ bảy, việc thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo được coi là một phương thức quan trọng thể hiện dân chủ trực tiếp, góp phần khích lệ nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội và đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.

Lan tỏa hơn nữa đối thoại với nhân dân

Có thể thấy rằng, việc quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp xúc, đối thoại với công dân được coi là một bước tiến quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phát huy dân chủ, hướng tới bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Sau những buổi trực tiếp đối thoại với lãnh đạo địa phương, tuy không hài lòng tất cả những giải đáp nhưng hầu hết mọi người đều vui mừng và bày tỏ sự tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tin cậy và tôn trọng việc giải quyết của người đứng đầu. Đồng thời, thẳng thắn phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bản thân về những vụ việc mà chính quyền và người dân còn chưa có tiếng nói chung. Trong thực tế, người dân rất mong muốn được trực tiếp gặp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, qua đó xử lý và giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình. Để giúp người đứng đầu trực tiếp thực hiện đối thoại với nhân dân đạt hiệu quả cao, công tác tham mưu cần có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, phân tích, dự báo tốt các tình huống, thực hiện và vận dụng đúng các quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, cần nắm vững, hiểu thấu đáo thực tế, chia sẻ với những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Bên cạnh đó, người đứng đầu địa phương phải sẵn sàng tâm thế đối thoại, tiếp xúc với nhân dân và việc đối thoại cần triển khai càng sớm càng tốt, thể hiện sự gần dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân. Xây dựng quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền với nhân dân.

Thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị và những vấn đề bức xúc của nhân dân đã góp phần quan trọng nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thực thi công vụ.

Thành Nam - UBND Phường 16

 


Số lượt người xem: 853    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm