SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
1
7
2
2
9
Đề cương tuyên truyền 09 Tháng Mười Hai 2022 2:55:00 CH

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN, GIẢI THÍCH TRẠM THU PHÁT SÓNG THÔNG TIN DI ĐỘNG (BTS)

(Tài liệu do Sở thông tin và Truyền thông Thành phố hồ Chí minh phát hành tại Công văn số 2506/STTTT-BCVT ngày 21 tháng 11 năm 2022)

Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Ủy ban nhân dân Quận 8 tiếp nhận phản ánh của người dân liên quan đến việc xây dựng các trạm BTS không đảm bảo an toàn xây dựng, có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Căn cứ các quy định của pháp luật, cơ sở khoa học, tài liệu chứng minh về mối quan hệ giữa sóng điện từ của các trạm thu phát thông tin di động (BTS) và sức khỏe con người, Phòng Văn hóa và Thông tin Quận 8 cung cấp các thông tin và tài liệu liên quan đến trạm BTS cụ thể như sau:

1. Về quy định pháp luật

1.1 Văn bản xác nhận phù hợp quy hoạch đối với các trạm BTS

Việc xây dựng trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định tại Quyết định số 3192/QĐ-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xác nhận phù hợp quy hoạch (tọa độ, vị trí, thiết kế trạm BTS, độ cao cột ăng ten) đối với từng vị trí của các trạm BTS.

1.2 Giấy phép xây dựng đối với các trạm BTS

a) Trường hợp cấp giấy phép xây dựng

Về cấp phép xây dựng trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS) được quy định tại Luật Xây dựng năm 2014 và Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với các trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS) cho các doanh nghiệp viễn thông di động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện, cụ thể như sau:

- Khoản 3 Điều 103 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021): “Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý”.

- Khoản 3 Điều 4 Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh: Ủy ban nhân dân quận, huyện: tổ chức thực hiện cấp Giấy phép xây dựng theo thẩm quyền đã được quy định tại Khoản 3 Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014, bao gồm: nhà ở riêng lẻ; công trình tín ngưỡng, quảng cáo, hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (trừ các trường hợp được miễn Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về viễn thông) và các công trình còn lại thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý (trừ các công trình đã được Ủy ban nhân dân thành phố phân cấp cho Sở Xây dựng và Ban Quản lý các khu chức năng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này)”.

- Công văn số 5699/SXD-CPXD ngày 07 tháng 4 năm 2016 của Sở Xây dựng về cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có nêu: Ủy ban nhân dân Quận, Huyện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp viễn thông và thực hiện cấp giấy phép xây dựng đối với các trạm BTS trên cơ sở văn bản thỏa thuận (vị trí lắp đặt, mẫu trạm BTS) của Sở Thông tin và Truyền thông.

b) Trường hợp miễn giấy phép xây dựng

Theo Điểm đ Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng ngày 18/06/2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/06/2020) quy định: Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng bao gồm công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ.

Theo Điều 49 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/03/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng:

Công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, gồm:

1. Công trình cột ăng ten thuộc hệ thống cột ăng ten nằm ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến.

2. Công trình cột ăng ten không cồng kềnh theo quy định của pháp luật về viễn thông được xây dựng tại khu vực đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Điểm a Khoản 8 Điều 3 Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT ngày 21/06/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương quy định: Cột ăng ten không cồng kềnh bao gồm cột ăng ten tự đứng được lắp đặt trên các công trình xây dựng có chiều cao của cột (kể cả ăng ten, nhưng không bao gồm kim thu sét) không quá 20% chiều cao của công trình nhưng tối đa không quá 3 mét và có chiều rộng từ tâm của cột đến điểm ngoài cùng của cấu trúc cột ăng ten (kể cả cánh tay đòn của cột và ăng ten) dài không quá 0,5 mét.

1.3 Giấy chứng nhận kiểm định đối với các trạm BTS

Quy trình kiểm định thiết bị viễn thông và đài vô tuyến điện (trạm BTS) được quy định tại các văn bản sau:

- Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện;

- Thông tư số 08/2020/TT-BTTTT ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành danh mục và quy trình kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định.

Tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT quy định: Các trạm BTS sau khi triển khai lắp đặt và trước khi đưa vào vận hành khai thác phải thực hiện đo kiểm về trường điện từ (đảm bảo mức giới hạn về phơi nhiễm trường điện từ là an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống xung quanh trạm) do các tổ chức được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận thực hiện.

Như vậy về mặt pháp lý, các trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS) được phép xây dựng và khai thác vận hành, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định pháp luật khi thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên.

2. Về mối quan hệ giữa sóng điện từ của các trạm thu phát thông tin di động (trạm BTS) và sức khỏe con người

2.1 Quy định về các tiêu chuẩn kỹ thuật

Trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định bắt buộc áp dụng TCVN 3718-1:2005 đối với các trạm BTS. Đồng thời, tất cả các trạm thu phát thông tin di động phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong QCVN 08:2010/BTTTT thì mới được phép đi vào hoạt động.

- Tiêu chuẩn TCVN 3718-1:2005 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý an toàn bức xạ tầng số rađio Mức phơi nhiễm trong dải tần từ 3Khz đến 300Ghz.

- Quy chuẩn QCVN 08:2010/BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng nhằm đánh giá mức độ phơi nhiễm quy định trong TCVN 3718-1:2005.

Như vậy, doanh nghiệp viễn thông đưa vào vận hành, khai thác trạm BTS phải tuân thủ mức phơi nhiễm điện từ theo quy định của TCVN 3718-1:2005.

2.2 Về các cơ sở khoa học

Trên thế giới, mối quan hệ giữa sóng điện từ của các trạm thu phát thông tin di động và sức khỏe con người đã được nghiên cứu từ lâu và cũng đã thu được những kết quả nhất định. Qua tổng hợp các kết quả nghiên cứu và đánh giá cũng như các khuyến nghị liên quan đến ảnh hưởng của các trạm thu phát thông tin di động đến sức khỏe con người trong báo cáo của các tổ chức độc lập (không bao gồm nghiên cứu của hiệp hội các nhà khái thác điện thoại di động, các nhà sản xuất điện thoại di động để đảm bảo tính khách quan và chính xác), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết luận là chưa có bằng chứng cho thấy trường điện từ của các trạm thu phát thông tin di động có thể gây ảnh hưởng có hại cho con người.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận trên cơ sở khoa học từ Tổ chức Y tế Thế giới, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn Việt Nam và biện pháp quản lý chuyên ngành khẳng định các trạm thu phát thông tin di động được cấp Giấy chứng nhận kiểm định đều đảm bảo an toàn bức xạ trường điện từ theo quy định.

Trong thời gian qua, nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học hoặc các tổ chức quốc tế, tổ chức của chính phủ hoặc phi chính phủ đã được thực hiện để đánh giá liệu sóng điện từ cho các trạm BTS điện thoại di động có gây nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn hay không. Theo WHO  cho biết “đến nay không có tác động bất lợi nào đối với sức khỏe được xác định là do sử dụng điện thoại di động”.

Đầu năm 2020, Ủy ban quốc tế về bảo vệ bức xạ không ion hóa (ICNIRP) , cơ quan khoa học có trụ sở tại Đức, đã phát hành phiên bản cập nhật của tài liệu Hướng dẫn giới hạn phơi nhiễm trường điện từ dải tần từ 100kHz đến 300GHz (dải tần này bao phủ các dải tần dành cho tất cả các công nghệ di động hiện nay). Theo đó ICNIRP khẳng định các giới hạn phơi nhiễm quốc tế vẫn đảm bảo sự an toàn đối với mọi người (kể cả trẻ em).

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức độ phơi nhiễm đối với các trạm phát sóng 5G tương tự như các trạm phát sóng hiện nay. Theo tài liệu về an toàn cho mạng di động 5G của GSMA, các tổ chức về sức khỏe cộng đổng cũng đã khẳng định mạng di động 5G không gây ra các rủi ro về sức khỏe.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Cục Viễn thông cung cấp một số thông tin tuyên truyền về ảnh hưởng phơi nhiễm sóng điện từ của các trạm BTS (quét mã QR bên dưới để xem chi tiết).

 

 

Thông tin về an toàn phơi nhiễm sóng điện từ của các trạm BTS

Phòng Văn hóa và Thông tin Quận 8

 


Số lượt người xem: 365    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm