SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
1
2
5
4
Đề cương tuyên truyền 31 Tháng Giêng 2023 1:25:00 CH

ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM - SỨC SỐNG TRONG DÒNG CHẢY CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG

Tháng 02/1943, Đảng ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam (Đề cương) do đồng chí Tổng Bí Thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên). Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay, khi đạo đức xã hội gặp nhiều vấn đề, những tư tưởng sáng suốt của Đề cương một lần nữa cho thấy tính đúng đắn, sức sống của nó trong dòng chảy chính sách của Đảng..​

PGS.TS VŨ VĂN PHÚC - PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG CÁC CƠ QUAN ĐẢNG TRUNG ƯƠNG: PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA LÀ PHÁT TRIỂN MỘT NGÀNH KINH TẾ ĐẶC BIỆT

 

 

 

Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943

 

Văn kiện ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội rất rối ren của đất nước những năm 40 thế kỷ XX, lúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đi gần tới kết thúc. Nhật xâm chiếm Đông Dương. Cách mạng Việt Nam lúc này không những đứng trước tình thế vô cùng gay go, căng thẳng mà còn phải đương đầu với những thủ đoạn thâm độc của phátxít Nhật, Pháp hòng trói buộc văn hóa, thậm chí giết chết tiền đồ của nền văn hóa dân tộc ta. Một bộ phận tầng lớp trí thức “đêm trước cách mạng” tỏ ra chán nản, bi quan, thờ ơ với thời cuộc, số khác hoang mang, mất phương hướng, thiếu ngọn đèn dẫn lối về tư tưởng. Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa là một tất yếu chính trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh lúc bấy giờ, trước hết cần phải có một sự thay đổi mang tính đột phá, định hướng về tư tưởng văn hóa. Đề cương ra đời đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử.

Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 gồm 05 phần: Phần (I): “Cách đặt vấn đề”; Phần (II): “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; Phần (III): “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phátxít Nhật, Pháp”; Phần (IV): “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam” và Phần (V): “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam”. Đề cương trình bày một cách ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đảm bảo hệ thống các quan niệm, phạm trù, các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc, với phương pháp tiếp cận khoa học; nổi bật là những luận điểm sau:

Một là, xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đề cương nêu rõ: văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Đồng thời, có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.

Hai là, cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo. Trên cơ sở chỉ rõ tính chất văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại (1943), chỉ rõ những nguy cơ của Văn hóa Việt Nam dưới ách phátxít Nhật - Pháp; những thủ đoạn của Nhật - Pháp trói buộc và giết chết văn hóa Việt Nam; dự kiến về tiền đồ văn hóa Việt Nam, Đề cương khẳng định cách mạng nhất định thắng lợi, văn hóa Việt Nam sẽ cởi được xiềng xích, đuổi kịp văn hóa mới, tiến bộ trên thế giới. Muốn vậy, phải làm cách mạng về văn hóa, “cách mạng vǎn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.

Ba là, để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”, đó là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Trong đó, dân tộc hóa là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập. Đại chúng hóa là chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng, con người phải là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động văn hóa. Khoa học hóa là chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ, biết bảo tồn, chắt lọc những nét đẹp truyền thống dân tộc, đồng thời phải chống những cái cũ kĩ, lạc hậu, dị đoan.

Đảng ta cũng khẳng định: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng vǎn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm... Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng vǎn hóa quá trớn”. Có thể thấy, ba nguyên tắc trên là sự trả lời đúng đắn và kịp thời cho các nhu cầu cấp thiết nổi lên trong một thời điểm trọng đại của lịch sử. Và do khả năng định hướng, tập hợp, đưa tất cả đội ngũ trí thức tham gia cách mạng, nó đã góp phần quan trọng làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám 1945, tạo cơ sở lý luận cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa kháng chiến - kiến quốc trong những năm tiếp theo.

Bốn là, để đặt nền móng và định hướng xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới, cần tiến hành tổng hợp các biện pháp công khai và bí mật, với nhiều hình thức khác nhau, đồng thời kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ “xây” và “chống”. Đề cương nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít là phải chống lại văn hóa phátxít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa dân chủ thông qua việc tranh đấu bảo vệ học thuyết, tư tưởng, làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng, tranh đấu về tông phái văn nghệ, chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng..., làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng; tranh đấu về tiếng nói, chữ viết, thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói, xác định phong cách văn Việt Nam, cải cách chữ quốc ngữ…

Có thể khẳng định Đề cương về văn hóa năm 1943 là văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Năm 1981, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, đồng chí Trường Chinh đánh giá: “Đề cương về văn hóa Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế, vì trong hoàn cảnh bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam … Nhưng Đề cương về văn hóa đã thâu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong điều kiện lúc đó của cách mạng Việt Nam” . Đề cương không chỉ có giá trị trong chỉ đạo hoạt động văn hóa - xã hội mà còn có ý nghĩa đối với việc xây dựng, hoàn thiện lý luận về nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Năm 2023 là mốc kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943  - một trong những định hướng chính sách quan trọng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Sau 80 năm, những giá trị của bản Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức sống của Đề cương trong xã hội đương đại. Những nguyên lý phát triển văn hóa như Dân tộc hóa – Khoa học hóa – Đại chúng hóa đang được bổ sung những nội dung mới, để làm phong phú thêm những giá trị văn hóa, tạo điều kiện phát triển bền vững đất nước.

Đề cương ra đời trong bối cảnh đất nước chưa giành được độc lập, chính vì vậy, một trong những mục tiêu căn bản của việc ban hành Đề cương là dùng văn hóa để trở thành sức mạnh cho dân tộc. Trên thực tế, văn hóa đã tạo nên sức mạnh thực sự cho dân tộc ta khi chúng ta sử dụng văn hóa để tạo nên sự thống nhất trong nhận thức về lòng yêu nước. Đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Kết quả, chúng ta đều chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Vũ khí lớn nhất của chúng ta không phải là khí tài quân sự hiện đại mà chính là lòng yêu nước. Mọi người đều thuộc lòng những câu ca dao, tục ngữ về lòng yêu nước, những câu chuyện gắn bó con người với đất nước qua câu chuyện về Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…

Không phải ngẫu nhiên, năm 1954, trước khi về Thủ đô, Bác Hồ đến thăm Đền Hùng và để lại câu nói truyền cảm hứng và niềm tin cho toàn dân tộc: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi lãnh tụ chính là một kết quả tất yếu của tư tưởng dân tộc hóa. Những bài hát với lời ca như “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, “Đảng đã cho ta cả mùa xuân của cuộc đời. Đảng truyền cho ta một niềm tin ở tương lai”… đã là niềm cảm hứng cho bao thế hệ thanh niên tình nguyện, vui vẻ ra trận; Những bài hát về chủ tịch Hồ Chí Minh như “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”, “Đất nước nghiêng mình. Đời đời nhớ ơn. Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam”… đến nay vẫn là nguồn cổ vũ, động viên mọi người về tấm gương đạo đức, luôn đem lại biết bao xúc động trong lòng nhân dân cả nước. Đây chính là sức mạnh tinh thần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và giải phóng đất nước về sau này để văn hóa trở thành cột mốc chủ quyền của đất nước.

Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực, là hệ điều tiết của sự phát triển xã hội là những quan điểm cơ bản cho sự phát triển văn hóa ngày nay đã bắt nguồn từ những tư tưởng đầu tiên của Đảng về phát triển nền văn hóa Việt Nam dân tộc, khoa học, đại chúng này.

Tiếp theo Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương Khóa XI) được xem là những văn kiện quan trọng của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam. Các văn kiện này đã cụ thể hóa 3 nguyên tắc phát triển văn hóa Việt Nam của Đề cương.

 

 

 

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

 

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là sự kế thừa gần gũi nhất của Đề cương, khi mà "tiên tiến" thể hiện nguyên tắc khoa học, đậm đà bản sắc dân tộc bổ sung giá trị cho nguyên tắc dân tộc trong Đề cương. "Tiên tiến" là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. "Tiên tiến" không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung. Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn nǎm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân-gia đình-làng xã-Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Bản sắc vǎn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong vǎn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ.

Quan điểm xây dựng và phát triển vǎn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng một lần nữa thể hiện nguyên tắc đại chúng hoá trong phát triển văn hóa của Đảng. Trong Nghị quyết Trung ương 5: “Mọi người Việt Nam phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, vǎn minh đều tham gia sự nghiệp xây dựng và phát triển nền vǎn hóa nước nhà. Công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng khối đại đoàn kết toàn dân, cũng là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và phát triển vǎn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển vǎn hóa.”

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (BCH TW khóa XI) một lần nữa phát triển nguyên tắc đại chúng hoá bằng quan điểm phát triển văn hóa để xây dựng con người, phát triển con người để xây dựng văn hóa. Nghị quyết ghi rõ: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.”

Bên cạnh đó, không chỉ trong các nghị quyết của Đảng mà còn trong các văn kiện, chiến lược, văn bản khác của Nhà nước, những nguyên tắc dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Điều đó chứng tỏ sức sống lâu bền của Đề cương văn hoá 1943 với sự phát triển đất nước trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện Đảng quan trọng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Ngay từ những năm đầu tiên của Đảng, Đảng ta đã nhận ra tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển chung của dân tộc, và Đề cương ra đời đã minh chứng cho tầm nhìn chiến lược đó. Trải qua thời gian, 3 nguyên tắc phát triển văn hóa trong Đề cương đã chứng minh được tính đứng đắn, đồng thời định hướng cho sự phát triển văn hóa.

Ý nghĩa quan trọng của Đề cương là đặt văn hóa ở vị trí hàng đầu, “văn hóa soi đường quốc dân đi”. Trong bối cảnh hiện nay, khi đạo đức xã hội gặp nhiều vấn đề, nhiều hiện tượng văn hóa phiền phức, mê tín dị đoan phát triển trở lại, những tư tưởng sáng suốt của Đề cương, một lần nữa, cho thấy tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng. Từ 3 nguyên tắc dân tộc hóa – khoa học hóa – đại chúng hóa, giờ đây, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, và là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế xã hội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, nếu nhìn nhận Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 trong dòng chảy chính sách của Đảng, chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự vận động của văn hóa, từ đó, có đánh giá đúng và chính xác hơn về sự phát triển chung của đất nước./.

Nguồn Quochoi.vn


Số lượt người xem: 203    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm