Xuất phát từ lòng yêu thương và sự cảm thông cho nỗi mất mát của trẻ khuyết tật, nhiều giáo viên đã chọn môi trường giáo dục chuyên biệt làm ngôi nhà thứ hai của mình với mong muốn giúp trẻ khuyết tật vượt qua mọi trở ngại của bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, trở thành những người có ích. Có thể kể đến cô Trương Thanh Dung, giáo viên Trường chuyên biệt Hy Vọng, Phường 8 Quận 8 với hơn 26 năm gắn bó với học sinh khuyết tật.
Ai sinh ra cũng mong muốn có được một cơ thể lành lặn, khỏe mạnh. Vì khiếm khuyết bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể cũng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và cuộc sống. Hầu hết trẻ khiếm thính chưa có âm giọng, phát âm không thành tiếng, tiếp thu bài chậm. Để dạy trẻ, người giáo viên phải kiên trì, trách nhiệm và yêu thương trẻ như con cháu của mình thì mới thành công. Thấu hiểu được nỗi mất mát đó, năm 1989, từ một tình nguyện viên đến tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm, cô Dung quyết định chuyển công tác về trường chuyên biệt Hy Vọng khi đang là giáo viên trường mẫu giáo Măng Non (nay là trường Vàng Anh, Phường 9). Chia sẻ về điều này, Cô Dung nói: “Cái duyên đã đưa tôi về đây. Thương trẻ chịu nhiều thiệt thòi và mong muốn được góp một phần công sức để giúp trẻ hòa nhập, để không là gánh nặng của gia đình và xã hội. Nhìn thấy học trò ngày một tiến bộ, tôi rất hạnh phúc”.
Thật vậy, dạy vỡ lòng cho học sinh bình thường đã khó, dạy trẻ khiếm thính còn khó gấp bội. Do đó, thời gian đầu cô Dung vất vả tìm kiếm phương pháp giảng dạy phù hợp, soạn bài với nội dung ngắn gọn, cô đọng để học sinh dễ tiếp thu, hướng dẫn các em cách nhìn miệng cô phát âm để đoán chữ. Cô còn dạy vẽ tranh, vẽ thiệp cho học sinh, những bài vẽ hầu hết đều đạt giải hội thi vẽ tranh cấp trường. Cô khuyến khích các em tham gia các hội thao cho người khuyết tật. Không chỉ dạy bọn trẻ biết chữ, biết bày tỏ cảm xúc, cô Dung còn dạy cho các em biết lễ phép, yêu thương, nhường nhịn nhau và làm những việc nhỏ như lau bảng, quét lớp... Bằng tấm lòng của một người mẹ, hơn ai hết cô hiểu việc uốn nắn hành vi, dạy kỹ năng sống giúp trẻ khuyết tật trở thành người có ích là cả một quá trình lâu dài. Học trò cô Dung từng bước rèn luyện được các kỹ năng xã hội và hòa nhập các hoạt động. Hầu hết các bé đều ngoan, có ý thức tập thể và tiến bộ rõ nét.
Không chỉ có trách nhiệm với học trò, cô Dung còn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, hỗ trợ các giáo viên trẻ lên tiết dạy, thao giảng. Khi nghe tin giáo viên nản lòng, muốn bỏ nghề, cô Dung tìm đến động viên, khuyên nhủ, giúp thầy cô ổn định tinh thần, tiếp tục gắn bó với nghề. Có thể nói, đồng hành cùng trường, cùng học sinh khiếm thính từ những ngày đầu khó khăn nhưng cô Dung chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Chính nhiệt huyết với nghề của cô đã truyền lửa phấn đấu cho nhiều người. Tập thể giáo viên xem cô như người “chị cả trong nhà”, là chỗ dựa tinh thần để giáo viên trẻ chia sẻ những buồn vui trong công việc và cuộc sống. Sự đóng góp thầm lặng ấy đã làm cho tập thể sư phạm nhà trường ngày một phát triển, cha mẹ học sinh từ chỗ bỡ ngỡ, ngần ngại, nay đã hoàn toàn an tâm, tin tưởng khi gửi con vào trường. Cô Nguyễn Thị Diễm tâm sự: “Cô Dung đã cho tôi những kinh nghiệm quý giá về kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật, truyền cho tôi cách dạy ngắn gọn, dễ hiểu nhất dành cho các trò khiếm thính, ít vốn từ vựng”. Thầy Lê Quốc Hưng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 8 cho biết: “Cô Dung là một giáo viên giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn. Tình cờ chứng kiến hình ảnh cô ôm vào lòng, yêu thương dỗ dành cậu học trò nhỏ vừa khiếm thính vừa tự kỷ, trong lúc lên cơn đã có những hành động đầu đập, cắn xé quần áo của bạn, tôi thật sự xúc động trước tấm lòng của một “người mẹ” đối với các con mình”.
Sau một ngày làm việc vất vả, cô Dung trở về nhà với niềm hạnh phúc ngập tràn vì được ông xã hết mực yêu thương, chia sẻ. Đứa con gái lớn của cô đang là học viên Cao học khoa hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cậu con trai út cũng là sinh viên năm thứ nhất của trường, khoa vật liệu.
Hơn 26 năm qua, với những đóng góp thầm lặng cho sự nghiệp giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập, cô Dung vinh dự nhận được giải thưởng Võ Trường Toản và Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố năm học 2013 -2014; đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Quận và Thành phố khối chuyên biệt. Chính những tấm gương nhân ái, thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” như cô Trương Thanh Dung đã làm cho ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm càng thêm ý nghĩa./.
Bích Ly – Đảng Ủy P14