SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
0
3
7
2
Tin tức sự kiện 04 Tháng Sáu 2020 8:55:00 SA

Hưởng ứng “Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2020”

1. Chủ đề, thông điệp Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020

Ngày Đại dương thế giới (ngày 08 tháng 6) do Liên hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Ngày Đại dương thế giới năm nay với chủ đề “Đổi mới vì một đại dương bền vững”, sẽ là cơ hội để giới thiệu những phương pháp, ý tưởng, sản phẩm mới, các giải pháp khả thi nhằm làm nổi bật những đổi mới trong các lĩnh vực liên quan đến đại dương như công nghệ, hệ thống cơ sở hạ tầng, quản lý tài nguyên, sản phẩm, khoa học công nghệ mới...

 

 

 

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”, với mục đích đổi mới công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch của các bộ, ngành và địa phương nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định phải triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ; trong đó tập trung 5 lĩnh vực quan trọng cần đổi mới và đột phá là: (i) tập trung rà soát, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; (ii) coi khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao là phương tiện thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; (iii) đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ đảm bảo hiện đại, đồng bộ, nâng cao hiệu quả phối hợp và xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn cao; (iv) đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, thực hiện tốt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; (v) nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Chủ động, tích cực tham gia và đề xuất, thực hiện các sáng kiến hợp tác về các lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong khuôn khổ ASEAN và khu vực Thái Bình Dương, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển của ta.

Các khẩu hiệu tuyên truyền biển và hải đảo Việt Nam năm 2020:

Về chủ quyền biển đảo

- Quyết tâm giữ gìn, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

- Hoàng Sa -Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.

- Tất cả vì biển, đảo quê hương, vì biên cương Tổ quốc.

- Chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Về rác thải nhựa

- Ngăn chặn ô nhiễm nhựa và khuyến khích các giải pháp đổi mới vì một đại dương khỏe mạnh.

- Giảm rác thải nhựa, tăng màu sống xanh.

- Vì một đại dương sạch không rác thải nhựa.

- Chung tay hành động vì biển xanh không rác thải nhựa.

- Bảo vệ môi trường biển, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ.

- Chung tay gìn giữ màu xanh của biển.

Về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

- Kinh tế xanh cho sự phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam.

- Hãy hành động vì sự phát triển bền vững của đại dương và hệ sinh thái biển.

- Sử dụng bền vững nguồn lợi từ biển và đại dương là trách nhiệm của chúng ta.

- Thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

- Phát triển bền vững kinh tế biển – Không một ai bị bỏ lại phía sau.

Về đổi mới vì một đại dương bền vững

- Cùng hành động để bảo vệ và phục hồi đại dương.

- Bảo tồn hành tinh xanh, tạo nên sự khác biệt.

- Đổi mới vì cuộc sống dưới lòng đại dương.

- Đổi mới, sáng tạo để phát triển kinh tế biển xanh.

2. Chủ đề, thông điệp Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2020

 

 

 

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (ngày 05 tháng 6) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2020, chủ đề Ngày Môi trường thế giới được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn là “Hành động vì thiên nhiên”. Theo UNEP, năm nay là một năm quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học với việc tăng cường đồng loạt các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước, đồng thời đây là thời điểm mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.

Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng cao trên thế giới. Chúng ta đã có một hệ thống các Khu bảo tồn được thành lập. Hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha, gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 07 khu bảo tồn so với năm 2015 với tổng diện tích tăng thêm gần 73.260 ha).

Đến nay, nước ta có 09 khu Ramsar với tổng diện tích hơn 120.000 ha; có 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích gần 188.000 ha; có 09 khu vực được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu ha. Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hồ sơ đề cử và được Ban Thư ký ASEAN công nhận thêm 04 Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Tổ chức quốc tế triển khai thành công việc thành lập 02 khu bảo tồn đất ngập nước, đó là khu Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) và Phá Tam giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa - Thiên Huế).

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các giải pháp để đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: (i) xây dựng và hoàn thiện pháp luật: Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua năm 2008 (để hướng dẫn thực hiện đã có: 09 Nghị định, 02 Nghị quyết của Chính phủ; 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của các Bộ). Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành sửa đổi Luật BVMT, trong đó đang dự thảo 07 điều có nội dung liên quan để góp phần làm tốt hơn công tác bảo tồn ĐDSH, xem “cảnh quan thiên nhiên”, ĐDSH là thành phần môi trường quan trọng cần quan tâm, bảo vệ; (ii) lập quy hoạch quốc gia về bảo tồn ĐDSH, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn đến năm 2030; (iii) tăng cường giải pháp quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua giải pháp dựa vào thiên nhiên, “thuận thiên”, phát huy tri thức bản địa để giảm nhẹ tác động tới các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; (iv) tăng cường quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái đất ngập nước, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; thực hiện chương trình bảo tồn loài nguy cấp; quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen; (v) thúc đẩy các hoạt động quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH; làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học; (vi) tiếp tục thúc đẩy hợp tác của các bên liên quan, bao gồm các đối tác quốc tế, sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng. Tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học từ Trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đa dạng sinh học.

Các khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường năm 2020:

- Hài hoà với thiên nhiên - Gìn giữ bảo tồn đa dạng sinh học.

- Trái đất cần chúng ta! Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu.

- Hãy sử dụng đồ dùng từ vật liệu tái chế.

- Đánh bắt hải sản sai cách là phá hủy cân bằng sinh học.

- Sử dụng nguồn nguyên liệu xanh là góp phần bảo vệ môi trường.

- Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.

- Đa dạng sinh học - Hành trình duy trì sự sống.

- Đa dạng sinh học - Nhận thức đúng, hành động đủ.

- Hành động vì thiên nhiên - Trách nhiệm của chúng ta.

Năm nay, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới diễn ra trong bối cảnh toàn cầu đang phải chống đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sớm chủ động xây dựng các phương án và ban hành những văn bản hướng dẫn, định hướng các cấp, ngành và địa phương xây dựng các kế hoạch truyền thông, tuyên truyền cho Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới và phát động Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 tập trung vào các hình thức truyền thông trực tuyến và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tiết kiệm, hiệu quả).

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các chương trình, phát động các cuộc thi, phong trào thiết thực ý nghĩa, cổ vũ lan toả tới cộng đồng, cụ thể như: chương trình tọa đàm đối thoại về chủ đề Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới dự kiến phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam; chương trình phối hợp giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức cuộc thi sáng kiến “Mô hình Văn phòng xanh thân thiện với môi trường”; chương trình giới thiệu về cuộc thi ảnh Đa dạng sinh học năm 2020; chương trình diễn đàn “Thanh niên với công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học” và chương trình đạp xe tuần hành hưởng ứng sự kiện… Đặc biệt, nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị liên quan tổ chức công bố khu bảo tồn đất ngập nước Phá Tam Giang - Cầu Hai tại tỉnh Thừa - Thiên Huế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các chiến dịch truyền thông hướng tập trung vào đối tượng cộng đồng, người dân trên cả nước đặc biệt là giới trẻ, thế hệ tương lai của đất nước, những người dễ dàng tiếp cận với khoa học cộng nghệ hiện đại và tích cực thay đổi vì một cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn. Bộ Tài nguyên và Môi trường hi vọng sẽ lan toả, đánh thức những tiềm ẩn, hành động, khơi dậy niềm cảm hứng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, biển đảo và môi trường là nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của mọi người dân trên cả nước. 

Thông tin về Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2020 và các tài liệu, thông tin có thể xem trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa chỉ: http://www.monre.gov.vn/; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, địa chỉ: http://vasi.gov.vn/; Tổng cục Môi trường, địa chỉ: http://vea.gov.vn/; Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, địa chỉ: http://monremedia.vn.

Trường Giang – Phòng VH&TT Q8


Số lượt người xem: 861    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm