SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
0
5
3
9
2
2
Tin tức sự kiện 20 Tháng Ba 2018 9:55:00 SA

Phòng ngừa cháy, nổ cơ sở y tế

Ngày 26/01/2018, khoảng 7 giờ 30 phút, ngọn lửa đã bùng phát tại phòng cấp cứu, tầng 1, Bệnh viện Sejong, Thành phố Miryang, Hàn Quốc; ngọn lửa bị dập tắt trong khoảng 1 giờ 40 phút; cơ quan Cứu hỏa Quốc gia Hàn Quốc cho biết ít nhất 41 người thiệt mạng, 70 người bị thương, trong đó 13 người nguy kịch. Đây là vụ cháy tồi tệ nhất Hàn Quốc kể từ năm 2008.

Vào khoảng 00 giờ 45 phút, ngày 19/7/2017, một số người dân quanh khu vực và bệnh nhân đang điều trị trong Bệnh viện Bạch Mai phát hiện có khói và lửa bốc lên dữ dội từ khu vực tầng 4 khoa Khám bệnh. Biết có cháy lớn, mọi người đã nhanh chóng thông báo cho lực lượng chức năng. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PC&CC đã có mặt tại hiện trường để dập lửa.

Đến khoảng 1 giờ 30 phút đám cháy được cơ bản khống chế. Rất may, khu vực xảy ra vụ cháy là Khoa khám bệnh nên không có bệnh nhân điều trị.

Hiện nay trên địa bàn Quận 5 và Quận 8 có rất nhiều cơ sở y tế (bệnh viện, phòng khám, trạm y tế…) lớn, tuyến cuối, chất lượng chăm sóc sức khỏe cao hàng đầu cả nước và thành phố như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viên Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Truyền máu – Huyết Học Thành phố, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện An Bình…; mỗi ngày, các bệnh viện khám, chữa bệnh cho khoảng 20.000 bệnh nhân từ các tỉnh đến, tại Thành phố và cả đến từ Campuchia... Mặc dù cơ sở vật chất không ngừng được nâng cấp, tuy nhiên vẫn quá tải, chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Bên cạnh yêu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thì yêu cầu đảm bảo về cơ sở vật chất và đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự trong các cơ sở y tế vẫn là yêu cầu cấp bách. Tại các cơ sở y tế luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao và đe dọa khả năng thoát nạn, cứu nạn – cứu hộ khi có cháy, nổ xảy ra.

Và thực tế, tại các cơ sở y tế, lượng chất cháy lớn, có khả năng bắt cháy cao như: cồn, bông - băng, niệm mút, thuốc, oxy phục vụ chữa bệnh, hồ sơ – bệnh án, dụng cụ y tế, bãi giữ xe…; ý thức về PC&CC của bệnh nhân, người nuôi bệnh… chưa tốt; lượng người tập trung đông…; khả năng xử lý sự cố cháy, nổ ban đầu của lực lượng tại chỗ có hạn… nếu không phòng ngừa tốt và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thoát nạn và chữa cháy ban đầu thì hậu quả sẽ không lường hết được.

Để phòng ngừa cháy, nổ tại các cơ sở y tế, Phòng Cảnh sát PC&CC Quận 8 khuyến cáo:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, nhân viên, y bác sỹ về kiến thức pháp luật, ý thức trách nhiệm, tham gia tích cực về công tác PC&CC.

- Xây dựng phương án cứu nạn - cứu hộ, sơ tán bệnh nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, khi xảy ra sự cố phải có lối dành riêng cho bệnh nhân đau yếu không thể vận động, cần sự trợ giúp, việc thoát nạn phải thuận lợi.

- Thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn của thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh. Các chất nguy hiểm về cháy nổ như cồn, phim ảnh, hóa chất phải được bảo quản nơi riêng biệt cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị chứa phải đảm bảo các điều kiện an toàn PC&CC theo quy định.

- Nâng cấp, cải tạo hệ thống điện tại các khu vực văn phòng, nhà kho đặc biệt đối với khu vực chứa các chất nguy hiểm cháy nổ, lưu trữ bệnh án và các loại chứng từ, tài liệu khác, khu vực chứa oxy phải trang bị thiết bị, cầu dao tự ngắt để kiểm soát, khống chế hệ thống điện, hệ thống đèn chiếu sáng phải là loại đèn kín hoặc phòng nổ.

- Niêm yết nội quy PC&CC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi cần thiết. Có quy định về đảm bảo an toàn PC&CC trong việc sử dụng nguồn lửa, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt.

- Lối thoát nạn phải: bố trí đủ cầu thang, hành lang thoát nạn, phòng lánh nạn tạm thời; cửa vào buồng thang thoát nạn, phòng lánh nạn tạm thời làm bằng vật liệu không cháy và có cơ cấu tự động đóng; có giải pháp ngăn lửa và chống tụ khói cho hệ thống lối thoát nạn; có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho toàn bộ công trình, từng khu vực, từng tầng; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.

- Duy trì chế độ tự kiểm tra PC&CC của người đứng đầu cơ sở, nhắc nhở cán bộ, nhân viên, y bác sỹ, bệnh nhân không sử dụng thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt trong bệnh viện, tắt các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, thiết bị tiêu thụ điện khi không có nhu cầu sử dụng.

- Bố trí khu vực nhà xe của cán bộ, nhân viên, y bác sỹ, người đến khám chữa bệnh cách xa khu vực khám và điều trị bệnh, loại trừ khả năng cháy xe, cháy lan vào. Thường xuyên kiểm tra nhà xe, bãi giữ xe nhằm phát hiện sự rò rỉ xăng để xử lý kịp thời, ngăn chặn nguy cơ cháy xảy ra.

- Củng cố đội PC&CC tại chỗ, huấn luyện nâng cao nghiệp vụ, kỹ chiến thuật, khả năng chữa cháy, đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng của phương tiện chữa cháy, sử dụng thành thạo các phương tiện PC&CC tại chỗ nhằm xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra.

- Khi xảy ra cháy, nổ tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PC&CC theo  số máy 114, đồng thời tổ chức chữa cháy và cứu nạn kịp thời, có hiệu quả.

 

 

Vụ cháy tại Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội ngày 19/7/2017

Tấn Tài - PHÒNG CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY QUẬN 8 


Số lượt người xem: 961    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm