SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
0
5
8
8
8
Tin tức sự kiện 18 Tháng Bảy 2017 2:50:00 CH

TIỂU SỬ NHÂN VẬT ĐƯỢC ĐẶT TÊN 23 TUYẾN ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 8

(Theo Quyết định số 2686/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

I. ĐƯỜNG THUỘC ĐỊA BÀN PHƯỜNG 4 QUẬN 8: Có 18 tuyến đường đặt tên

1. Đường số 2, Phường 4 Quận 8 đặt tên NGUYỄN ĐỨC NGỮ (ĐỐC NGỮ)

- Lý trình: Từ đường số 31 đến đường Đông Hồ.

- Chiều dài: 217 m. Lộ giới hiện hữu: 12m.  Lộ giới quy hoạch: 12m.

- Tiểu sử nhân vật: NGUYỄN ĐỨC NGỮ (ĐỐC NGỮ) (không rõ năm sinh – 1892)

Tên thật là Nguyễn Đức Ngữ, thủ lĩnh nghĩa quân kháng Pháp, quê ở xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Tây (nay là Hà Nội).

Khi Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873), ông có mặt trong đội quân của triều đình Huế đóng ở Sơn Tây. Do chiến đấu dũng cảm, lập được nhiều chiến công, ông được thăng chức Đốc binh, từ đó có tên gọi là Đốc Ngữ.

Khi xảy ra Trận Cầu Giấy lần hai (1882), ông là một trong những người có đóng góp lớn cho trận đánh, cùng với đội quân của Hoàng Tá Viêm và đội quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc giết chết viên chỉ huy quân đội Pháp Henri Rivière. Sau đó, do Pháp tái chiếm, ông lui về Sơn Tây. Tháng 12 năm 1883, khi Pháp chiếm thành Sơn Tây, ông cùng một số quan lại khác tiếp tục chủ chiến.

Sau khi thành Hà Nội thất thủ, triều đình Huế ký kết Hòa ước Hardman và Điều ước Paternotre, ông hưởng ứng Chiếu Cần Vương, tiếp tục chiến đấu. Ông tập hợp thêm được lực lượng thành đội nghĩa quân. Nghĩa quân của ông chiến đấu dưới quyền Tuần phủ kiêm Trấn phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang BíchBố chánh Nguyễn Văn Giáp.

Đến 1890, nghĩa quân Đốc Ngữ lớn mạnh và hoạt động độc lập suốt dọc hai bờ sông Hồngsông Đà. Nghĩa quân đã đánh nhiều trận oanh liệt, nhất là ở Chợ Bờ, tỉnh Hòa Bình. Ông còn liên kết với nghĩa quân Tống Duy Tân và mở rộng địa bàn hoạt động đến tận Thanh Hóa.

Ông hy sinh ngày 07/8/1892 trong một trận chiến không cân sức với quân Pháp.

 

2. Đường số 4, Phường 4 Quận 8 đặt tên LÊ NINH

- Lý trình: Từ đường Huỳnh Thị Phụng đến đường số 31.

- Chiều dài: 250m. Lộ giới hiện hữu: 12m. Lộ giới quy hoạch:12m.

- Tiểu sử nhân vật: LÊ NINH (1857-1887).

Thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp. Quê xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Từ nhỏ ông đã say mê binh pháp và luyện tập võ luyện. Tháng 7 năm 1885, khi Vua Hàm Nghi hạ “Chiếu Cần Vương”, ông tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ kháng chiến ở Trung Lễ chỉ huy nghĩa quân đánh chiếm thành Hà Tĩnh và nhiều đồn binh của Pháp, được vua Hàm Nghi phong chức Bang biện quân vụ Hà Tĩnh.

Nghĩa quân của ông phối hợp với nghĩa quân Phan Đình Phùng ở Hương Khê tạo thành phong trào kháng chiến rộng khắp tỉnh Hà Tĩnh. Thực dân Pháp đem quân đàn áp, thiêu hủy căn cứ Trung Lễ, ông phải rút về vùng Bạch Sơn (huyện Hương Sơn) lập căn cứ mới, tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu.

Cuối năm 1887, ông bị bệnh mất.

Lê Ninh là chiến sĩ yêu nước kiên cường dũng cảm, dù khó khăn gian khổ vẫn không đội trời chung với giặc. Ông mất đi nhưng cuộc khởi nghĩa do ông khởi xướng vẫn tiếp tục và những người con của dòng họ Lê noi gương ông tiếp tục tham gia chiến đấu hoạt động trong các phong trào yêu nước chống Pháp cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công.

 

3. Đường số 8, Phường 4 Quận 8 đặt tên BÙI ĐIỀN.

- Lý trình: Từ đường số 16 đến cuối tuyến (cắt qua đường Phạm Hùng).

- Chiều dài: 614m. Lộ giới hiện hữu: 12m. Lộ giới quy hoạch:14m.

- Tiểu sử nhân vật: BÙI ĐIỀN (Không rõ năm sinh – 1887)

Võ tướng thời Vua Hàm Nghi, quê tỉnh Quảng Ngãi.

Ông tham gia phong trào Cần Vương, là một võ tướng dạn dày kinh nghiệm, có tài đánh du kích, giúp Mai Xuân Thưởng lập nên những chiến công vang dội. Ông được cử làm Thống trấn Phù Mỹ và Bồng Sơn, đóng quân ở núi Chóp Chài, liên kết cùng nghĩa quân Tăng Bạt Hổ đóng ở Kim Sơn.

Đầu năm 1886, đáp lời cầu viện của nghĩa quân Quảng Ngãi, ông và Đặng Đề dẫn quân ra giúp Nguyễn Tự Tân và Lê Trung Đình đánh chiếm tỉnh thành. Thất bại bên bờ sông Trà Khúc, ông và Đặng Đề dẫn quân về Phù Mỹ tiếp tục chiến đấu.

Vua Đồng Khánh nhờ Pháp giúp sức tiêu diệt phong trào Cần Vương. Quân Pháp đưa pháo thuyền án ngữ ở cửa biển Quy Nhơn và lệnh cho Nguyễn Thân từ Bắc đánh vào, Trần Bá Lộc từ Nam đánh ra. Tháng 10 năm 1886, ba cánh quân triều đình và Pháp hội ở Quy Nhơn, kéo lên Phú Phong, đánh thẳng vào đại bản doanh nghĩa quân Cần Vương, ông và Mai Xuân Thưởng bị bắt giết.

Ông đã chiến đấu dũng cảm, tận tụy hy sinh vì Tổ quốc.

 

4. Đường số 10 Phường 4 Quận 8 đặt tên ĐẶNG THÚC LIÊNG

- Lý trình: Từ đường số 23 đến cuối tuyến (cắt qua đường Phạm Hùng) .    

        - Chiều dài: 534m. Lộ giới hiện hữu: 14 m. Lộ giới quy hoạch: 16m.

- Tiểu sử nhân vật: ĐẶNG THÚC LIÊNG (1867 – 1945)

Nhân sĩ yêu nước. Quê ở làng Tân Phú, Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).

Ông là một nhân sĩ nhiệt thành yêu nước, từng hoạt động chung với Trần Chánh Chiếu và Nguyễn An Khương. Năm 1908, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở Mỹ Tho vì hoạt động chính trị chống Pháp, ba tháng sau được thả. Năm 1911, ông trở lên Sài Gòn viết bài cho các báo: Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Công luận báo, Đông Pháp thời báo, Trung lập và sau cùng Đại Việt tạp chí…

Năm 1931, ông lập tờ Việt dân báo. Năm 1934, ông sáng lập Hội Việt Nam Y dược. Khoảng năm 1944, ông cùng với Lê Phát Vĩnh xuất bản tờ báo Đông Phong. Ông đã viết nhiều tác phẩm được xuất bản có giá trị như Quốc văn hồn, Hán văn thi tập, Việt âm thi tập, Tâm quyển giải, Chủng mạch tân biên...

Ông mất năm 1945 tại Sa Đéc, Đồng Tháp.

 

5. Đường số 12 Phường 4 Quận 8 đặt tên LÊ QUYÊN

- Lý trình: Từ đường 1011 Phạm Thế Hiển đến đường Đông Hồ. Chiều dài: 498m.

-  Lộ giới hiện hữu:

+ 30m từ đường 1011 Phạm Thế Hiển đến địa chỉ số 120 đường số 12 Phường 5 Quận 8.

+ 14m từ địa chỉ số 120 đường số 12 Phường 5 Quận 8 đến đường Đông Hồ, Phường 4 Quận 8.

- Tiểu sử nhân vật: LÊ QUYÊN (1859 – 1917)

Sĩ phu yêu nước kháng Pháp đầu thế kỉ 20. Hiệu là Đại Đẩu, còn gọi  là Đội Quyên. Quê ở làng Yên Phúc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1885, ông tham gia cuộc khởi nghĩa do Lê Ninh, người La Sơn, Hà Tĩnh lãnh đạo. Năm 1887, Lê Ninh mắc bệnh qua đời ở ngay căn cứ Cổ Ngư. ông cùng với Lê Phất, Lê Khai, Lê Phác, Lê Trực gia nhập nghĩa quân Phan Đình Phùng.

Tướng quân Phan Đình Phùng biết ông và Lê Phất là thợ rèn giỏi liền phân công về xưởng sản xuất vũ khí do Cao Thắng phụ trách. ông đã cùng với Cao Thắng cải tiến chất lượng súng trường bắn nhanh theo mẫu súng 1874 của Pháp mà Cao Thắng đã sản xuất từ trước.

Sau khi Phan Đình Phùng mất (1896). Quân Pháp thừa cơ đánh phá căn cứ. Ông cho chôn giấu các bán thành phẩm vũ khí, đốt xưởng rồi dẫn quân ra Đông Thành (Nghệ An) cùng Lãnh Ngợi tập hợp nghĩa quân tập kích các đồn binh Pháp, trừng trị bọn tay sai, bán nước.

Khi Lãnh Ngợi hy sinh. ông về Hà Tĩnh theo Lãnh binh Ngô Quảng nhưng không gặp. Ông ra Nam Đàn, Nghệ An tìm Phan Bội Châu. Ông Phan thấy ông là người có tài năng về quân sự, phân công ông gây dựng cơ sở chống Pháp ở  Nam Đàn.

Năm 1904, ông có mặt trong ngày thành lập hội Duy Tân ở Quảng Nam do Phan Bội Châu, Nguyễn Thành chủ trương. Dự Hội nghị xong ông được phân công trở về Nghệ An làm công tác vận động tài chính cho hội, để đưa thanh niên đi Đông Du.

Năm 1906, ông cùng Tú Ngô, Giám Hành (tức Hoàng Xuân Hành), người làng Hoàng Trù, huyện Nam Đàn, cử nhân Vương Thúc Quý người làng Kim Liên, cô Nguyễn Thị Thanh phát động phong trào Cần vương trong huyện.

Năm 1912, thắng lợi của Cánh mạng Tân Hợi (Trung Quốc), Phan Bội Châu giải tán Duy Tân hội thành lập Việt Nam Quang phục hội thì ông và Nguyễn Thị Thanh lại chuyển sang hoạt động cho tổ chức Việt Nam Quang phục hội. Bằng kinh nghiệm chế tạo súng bắn nhanh khi cùng Cao Thắng tham gia cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, ông đã thành lập xưởng chế tạo súng bắn nhanh trang bị cho Quang Phục quân.

Tại hội nghị các thủ lĩnh tổ chức Việt Nam Quang Phục hội ở Nghệ An - Hà Tĩnh đã giao cho ông làm Tổng chỉ huy Việt Nam Quang Phục quân Nghệ - Tĩnh. Ông gấp rút xây dựng căn cứ kháng chiến ở Bố Lư, tích cực luyện tập các động tác chiến đấu, cách sử dụng vũ khí, đặc biệt là súng bắn nhanh cho thanh niên. Ông còn cho mở một con đường từ căn cứ Bố Lư tới biên giới Lào để khi gặp nguy hiểm có thể qua Lào thoát sang Xiêm La mà ông đã chuẩn bị. Trong một đợt đi công tác ông bị ốm phải nằm lại nhà bạn là Đặng Nguyên Cẩn ở Lương Điền thì bị bọn tay sai của  Pháp dò biết báo cho quân Pháp đến bắt. Mặc dù bị ốm ông vẫn chống trả quyết liệt và hy sinh với viên đạn cuối cùng vào ngày 20 tháng 8 năm 1917.

 

6. Đường số 13 Phường 4 Quận 8 đặt tên TÁM DANH (NGUYỄN PHƯƠNG DANH)  :

- Lý trình: Từ đường số 8 đến cuối hẻm lô đường Phạm Hùng (cắt qua đường Tạ Quang Bửu).

- Chiều dài: 540m.

- Lộ giới hiện hữu: 12m. Lộ giới quy hoạch: 16m.

- Tiểu sử: TÁM DANH (NGUYỄN PHƯƠNG DANH) (1901 – 1976)

Nghệ sĩ cải lương. Ông tên thật là Nguyễn Phương Danh. Quê quán: xã Sơn Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Ông gia nhập sân khấu cải lương từ thời kỳ “ca ra bộ”, đã hợp tác với các gánh hát Đồng Bào Nam, Phước Cương, Thanh Tùng, Huỳnh Kỳ và lập gánh Danh Đàng (Tám Danh và Hai Đàng, nữ diễn viên của gánh Trần Đắc). Những vai nổi tiếng của ông: Hà Công Yên (Tứ Đổ Tường), Bao Công (Xử án Bàng Quý Phi), Tề Thiên Đại Thánh (Mẫu Đơn Tiên), Phan Nhân (Số độc đắc).

Năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền ở Cần Thơ, giữ chức vụ Chủ tịch xã Phú Khánh một thời gian. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông công tác trong Phòng Chính trị Vệ quốc đoàn khu VIII. Năm 1949, ông được phân công về hoạt động bí mật ở Sài Gòn, liên lạc với Năm Châu, Tư Trang, Bảy Nhiêu.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông là một trong số những người sáng lập và lãnh đạo Đoàn Cửu Long (tiền thân của đoàn Văn công Nam Bộ).

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Hai mươi năm ở miền Bắc, ông làm diễn viên, đạo diễn, đồng thời góp phần quan trọng trong việc đào tạo lớp trẻ, học trò rất quý trọng ông. Ông từng được bầu làm Đại biểu Quốc hội và được tặng thưởng Huân chương Độc lập.

Sau khi mất được ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”.

 

7. Đường số 16 Phường 4 Quận 8 đặt tên HỒ THÀNH BIÊN

- Lý trình: Từ đường Phạm Hùng đến Rạch Du.

- Chiều dài: 450m. Lộ giới hiện hữu: 12m. Lộ giới quy hoạch: 16m.

- Tiểu sử nhân vật: HỒ THÀNH BIÊN (1890 – 1976)

Nhân sĩ yêu nước. Quê xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, tỉnh Hậu Giang.

Ông sinh trong một gia đình nông dân. Năm 1902 vào học Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng, năm 1921 vào học Đại chủng viện Phnom Pênh (Cam-pu-chia). Được thụ phong linh mục ngày 21/9/1921, phục vụ họ đạo Trà Lồng, Hòa Hưng (Rạch Giá) rồi Sa Keo (Sóc Trăng).

Nhận ra con đường giải phóng đất nước, linh mục đã hướng dẫn giáo dân ở Sa Keo tham gia cách mạng tháng tám năm 1945. Khi Pháp đánh chiếm lại Nam Bộ, ông ra bưng biền kháng chiến, làm Hội trưởng Công giáo kháng chiến tỉnh Sóc Trăng, Phó chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh, Phó hội trưởng Công giáo kháng chiến Nam Bộ.

Tháng 9-1945, tập kết ra Bắc cùng với các linh mục Võ Thành Trinh, Trần Quang Nghiêm. Ông đã giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban liên lạc Công giáo toàn quốc, Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội khóa II, III, IV; Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Đoàn kết nhân dân Á –Phi của Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Hội đồng bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam.

Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Ba, Huân chương kháng chiến hạng Nhất.   

Ông mất năm 1976, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

8. Đường số 23 Phường 4 Quận 8 đặt tên ĐỖ NGỌC QUANG.

- Lý trình: từ đường Phạm Thế Hiển đến đường số 16.

- Chiều dài: 273m. Lộ giới hiện hữu: 12m. Lộ giới quy hoạch: 20m.

- Tiểu sử nhân vật: ĐỖ NGỌC QUANG (không rõ năm sinh – mất 1950)

Liệt sĩ, còn có tên Hoàng Minh Chánh.

Ông là người nối nghiệp làm chủ nhà in Xưa Nay của Nguyễn Háo Vĩnh. Năm 1945, ông đem cả xưởng in vào vùng tự do để in những sách báo kháng chiến.

Sau ông được cử làm tiểu đoàn trưởng, rồi làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 310. Chính ông đã chỉ huy trận đánh La Ngà (trên đường đi Đà Lạt) năm 1947.  Ông mất khoảng năm 1950 tại Sông Bé.

 

9. Đường Số 198, Cao Lỗ Phường 4, Quận 8 đặt tên CHÂU THỊ HÓA

- Lý trình: từ đường số 783 Tạ Quang Bửu đến đường Cao Lỗ.

- Chiều dài: 530m. Lộ giới hiện hữu: 12m. Lộ giới quy hoạch: 12m.

- Tiểu sử: Mẹ Việt Nam anh hùng CHÂU THỊ HÓA (1917 – 2011).

Quê quán: Thành phố Hồ Chí Minh

Mẹ có một người con trai duy nhất là liệt sĩ (Liệt sĩ Trần Văn Thành, hy sinh ngày 5/12/1964).

Mẹ tham gia hoạt động cách mạng, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho Cách mạng.

Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Quyết định số 438 KT/CTN ngày 24/4/1995 của Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Năm 2011, Mẹ mất và được thờ cúng tại số 191 Bis Ba Tơ, Phường 7, Quận 8.

Người thờ cúng: Võ Thị Huệ - cháu.

 

10. Đường số 204 Cao Lỗ Phường 4, Quận 8 đặt tên NGUYỄN THỊ MƯỜI

- Lý trình: Từ đường số 783 Tạ Quang Bửu đến đường Cao Lỗ.

- Chiều dài: 470m. Lộ giới hiện hữu: 13m. Lộ giới quy hoạch: 13m.

- Tiểu sử: Mẹ Việt Nam anh hùng NGUYỄN THỊ MƯỜI (1914 – 2008)

Quê quán: thành phố Hồ Chí Minh

Mẹ có 2 người thân là liệt sĩ, gồm: chồng, liệt sĩ Bùi Văn Tỷ, sinh năm 1910, tham gia cách mạng năm 1945, hy sinh năm 1949; con, liệt sĩ Bùi Văn Đực, sinh năm 1932, tham gia cách mạng năm 1949, hy sinh tháng 5/1951.

Gia đình Mẹ là cơ sở cách mạng, chồng Mẹ tham gia cách mạng năm 1945, Mẹ một mình tần tảo nuôi con cho chồng yên tâm công tác. Bản thân Mẹ tham gia tiếp tế lương thực, vũ khí.          

Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tại Quyết định số 394 KT/CTN ngày 17/12/1994 của Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Năm 2008, Mẹ mất và được thờ cúng tại 32 F Rạch Cát, Phường 15, Quận 8. Người thờ cúng: Phùng Thị Phước – Cháu.

 

11. Đường 284 Cao Lỗ Phường 4, Quận 8 đặt tên TRẦN THỊ NGÔI 

- Lý trình: Từ đường số 715 Tạ Quang Bửu đến đường Cao Lỗ.

- Chiều dài: 380m. Lộ giới hiện hữu: 12m. Lộ giới quy hoạch: 30m.

- Tiểu sử: Mẹ Việt Nam anh hùng TRẦN THỊ NGÔI  (1918 – 2007)

Quê quán: Thành phố Hồ Chí Minh.

Mẹ có 3 người con là liệt sĩ, gồm: Liệt sĩ Võ Văn Nam, hy sinh năm 1966; Liệt sĩ Võ Văn Chứng (Chung), hy sinh năm 1967; Liệt sĩ Võ Văn Hòn, hy sinh năm 1969.

Mẹ và chồng Mẹ tham gia Cách mạng được tặng Huân chương Độc lập hạng 3 vào ngày 11/7/1985. Mẹ là thương binh 4/4. Ngày 14/8/1999, Mẹ được tặng Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày”

Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tại Quyết định số 394 KT/CTN ngày 17/12/1994 của Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Năm 2007, Mẹ mất và được thờ cúng tại 3325 F đường Ba Tơ, Phường 7, Quận 8. Người thờ cúng: Võ Văn Tư -  Con

 

12. Đường số 130 Cao Lỗ Phường 4, Quận 8 đặt tên TRẦN THỊ NƠI

- Lý trình: từ đường 715 Tạ Quang Bửu đến đường Cao Lỗ, Phường 4 Quận 8.

- Chiều dài: 460m. Lộ giới hiện hữu: 16m. Lộ giới quy hoạch: 16m.

- Tiểu sử nhân vật: Mẹ Việt Nam anh hùng TRẦN THỊ NƠI (1872 – 1949)

Quê quán: xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh

Mẹ có 2 người con là liệt sĩ, gồm: Liệt sĩ Nguyễn Văn Liễng, sinh năm 1901, ngày 19/8/1945 tham gia kháng chiến, Tiểu đội trưởng tiểu đội công tác thành, trung đội A công an xung phong Sài Gòn – Chợ Lớn. Hy sinh ngày 25/11/1948 tại Đồn Tân Qui; Liệt sĩ Nguyễn Văn Nhì, sinh năm 1916, ngày 23/9/1945 tham gia kháng chiến, Chỉ huy trưởng mặt trận số 4, đơn vị trinh sát Bộ tư lệnh Dương Văn Dương. Hy sinh ngày  20/10/1945 tại cầu Rạch Đĩa.

Mẹ tham gia công tác tại địa phương, đào hầm che giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng, che giấu vũ khí đạn dược. Mẹ còn có con dâu là Bà Phạm Thị Thiệt vừa là liệt sĩ, vừa là Mẹ Việt Nam anh hùng.

Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tại Quyết định số 522 KT/CTN ngày 27/8/1995 của Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Năm 1949, Mẹ mất và được thờ cúng tại số 49/7 Võ Trứ, Phường 9, Quận 8. Người thờ cúng: Nguyễn Văn Thu – Cháu.

 

13. Đường số 152 Cao Lỗ, Phường 4 Quận 8 đặt tên PHẠM THỊ TÁNH

- Lý trình: từ đường số 783 Tạ Quang Bửu đến đường Cao Lỗ, Phường 4 Quận 8.

- Chiều dài: 540m. Lộ giới hiện hữu: 16m.  Lộ giới quy hoạch: 16m.

- Tiểu sử: Mẹ Việt Nam anh hùng PHẠM THỊ TÁNH (1891 – 1969)

 Quê quán: xã Đa Phước, huyện Bình Chánh.

 Mẹ có 1 người con trai duy nhất là Liệt sĩ  Đặng Văn Tiền, hy sinh năm 1947

Mẹ và chồng, con trai được tuyên truyền giáo dục, giác ngộ cách mạng và tham gia Nông hội đỏ, Hội cứu tế, Y tế, Hội đình. Tháng 8 năm 1945, chồng và con trai của Mẹ tham gia cướp chính quyền ở xã.

Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tại Quyết định số 374/2009/QĐ/CTN ngày 10/3/2009 của Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Năm 1969, Mẹ mất và được thờ cúng tại: 69 Đình An Tài, Phường 7, Quận 8. Người thờ cúng: Đặng Thị Tư – Cháu.

 

14. Đường 643 Tạ Quang Bửu, Phường 4, Quận 8 đặt tên PHẠM NHỮ TĂNG

- Lý trình: Từ đường Tạ Quang Bửu đến đường số 284 Cao Lỗ, Phường 4.

- Chiều dài: 630m.  Lộ giới hiện hữu: 16m. Lộ giới quy hoạch: 16m.

- Tiểu sử nhân vật: PHẠM NHỮ TĂNG (không rõ năm sinh – 1477)

Danh tướng đời Lê Thánh Tông, dòng dõi Phạm Ngũ Lão, quê tỉnh
Quảng Nam.

Năm 1471, ông được vua Lê Thánh Tông phong làm Trung quân Đô thống, lãnh ấn tiên phong, chỉ huy 10 vạn quân trong cuộc tiến công vào cửa Thi Lị Bị Nại (tức cửa Thị Nại – nay là Quy Nhơn), bao vây phá thành Vijaya (thành Đồ Bàn - nay là Bình Định), tiêu diệt quân Chăm, bắt sống Trà Toàn.

Tháng 6 năm Tân Tỵ (1471), vua Lê Thánh Tông chính thức đặt tên khai sinh cho vùng đất mới mở là phủ Hoài Nhơn, lệ vào Quảng Nam Thừa tuyên, ông được cử "lưu trấn", cai quản vùng đất biên cương mới mở của Đại Việt, giữ chức Quảng Nam Đô thống phủ.

Ngày 21/02/1477, ông mất tại kinh thành Đồ Bàn, được triều đình phong Thượng đẳng phúc thần tại châu Thăng Hoa.

Sau này, thi hài của ông được con cháu họ Phạm đưa về cải táng tại khu vực núi Quế, thuộc Hương Quế - Quế Phú - Quế Sơn - Quảng Nam. Hiện nay, tại ngôi mộ ông vẫn còn lưu lại đôi câu đối do vua Lê Thánh Tông ban tặng:

"Nghĩa sĩ uẩn mưu cơ, hiệp lực nhất tâm bình Chiêm quốc;

Miếu đại khai tráng lệ, hương hồn thiên cổ hiển Nam bang".

Ông là một trong những vị tướng xuất sắc của vua Lê Thánh Tông, lập nhiều chiến công trong cuộc Nam chinh mở đất về phía Nam, có công lập nên vùng đất Hoài Nhơn - Bình Định, cai trị dân chúng với lòng khoan dung, chăm lo đời sống kinh tế, giúp dân được an cư lạc nghiệp.

 

15. Đường 715 Tạ Quang Bửu, Phường 4, Quận 8 đặt tên VÕ LIÊM SƠN

- Lý trình: Từ đường Tạ Quang Bửu đến đường số 284 Cao Lỗ, Phường 4 Quận 8.

- Chiều dài: 460m. Lộ giới hiện hữu: 12m. Lộ giới quy hoạch: 20m.

- Tiểu sử nhân vật: VÕ LIÊM SƠN (1888 – 1949)

Nhân sĩ yêu nước. Hiệu Ngạc Am. Quê xã Hữu Ngoại (nay là xã Thiên Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Ông xuất thân trong một gia đình nho học, có truyền thống yêu nước lâu đời.

Từ nhỏ ông đã theo đuổi Hán học, rồi học tiếp chữ Pháp. Năm 1911 ông đỗ Thành Chung ở trường Quốc học Huế được bổ làm giáo học ở đạo Ninh Thuận. Năm 1912 ông đỗ cử nhân Hán học ở trường thi Quy Nhơn, được bổ tri huyện Duy Xuyên - Quảng Nam; nhưng không đầy một năm ông bị huyền chức chuyển về Huế làm Thừa Biện. Trong thời gian này ông bắt đầu đọc sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Từ năm 1915-1918, ông lại được bổ làm Giáo thụ rồi Kiểm học ở Phú Yên. Năm 1919, chế độ học quan của Nam Triều bị bỏ, ông lại được điều ra Huế dạy Hán văn và Việt văn ở trường Quốc học

Năm 1934, ông sáng lập Tân Văn Nghệ Tùng Thư nhưng mới xuất bản được 2 cuốn sách thì bị khám nhà tịch thu sách vở và bị bắt giam.

Sau Cách mạng tháng Tám, năm 1947 ông được chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà bổ nhiệm làm Trưởng ban tuyên truyền kháng chiến, Uỷ viên uỷ ban kháng chiến hành chính đồng thời được cử làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Hà Tĩnh. Năm 1948, ông lại được bổ nhiệm làm Uỷ viên Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu IV và trong Đại hội mặt trận Liên Việt liên khu ông được bầu làm Chủ tịch,  được cử đi dự Hội nghị văn hoá toàn quốc tổ chức ở Việt Bắc.

Ông là một nhà nho, một chiến sĩ yêu nước, trên mọi cương vị tính khí tiết nhà ái quốc đều bộc lộ rõ nét. Dạy học không chỉ là truyền thụ kiến thức cho học trò mà quan trọng hơn là tấm gương của mình truyền thụ cho học trò lòng yêu nước thiết tha và nhân cách cao đẹp, nhiều học trò của ông đã trở thành những nhà cách mạng xuất sắc như: Trần Phú, Hà Huy Tập, Võ Nguyên Giáp.               

 

II.  ĐƯỜNG THUỘC ĐỊA BÀN PHƯỜNG 5 : Có 04 tuyến đường Phường 5 đặt tên

1. Đường số 1107 Phạm Thế Hiển, Phường 5 Quận 8 đặt tên DƯƠNG BẠCH MAI

- Lý trình: từ đường Phạm Thế Hiển đến đường số 394 Tạ Quang Bửu, Phường 5 Quận 8.

- Chiều dài: 1056m. Lộ giới hiện hữu: 12m. Lộ giới quy hoạch: 20m.

- Tiểu sử nhân vật: DƯƠNG BẠCH MAI (1905 – 1964)

Nhà cách mạng. Quê ở Bà Rịa (nay thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Thuở nhỏ ông học ở Sài Gòn, sau sang Pháp học, tham gia Đảng Cộng sản Pháp, rồi được cử sang Matxcơva học Trường Đại học Phương Đông. Năm 1932, ông về nước hoạt động báo chí ở Sài Gòn, cộng tác với các báo: La Cloche Fêlée, La Lutte, Mai, Dân quyền cùng các ông Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm. Năm 1936, ông tham gia phong trào đấu tranh đòi dân chủ, trúng cử Hội đồng quản hạt Sài Gòn. Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt và bị đày ra Côn Đảo, được trả tự do 1943, nhưng bị quản thúc ở Biên Hòa. Ông là một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn năm 1945, sau đó phụ trách công tác an ninh trong Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, là đại biểu Quốc hội khóa I. Ông là thành viên đi dự Hội nghị trù bị Đà Lạt (1946), sau đó được điều ra miền Bắc công tác. Ông là người có công tổ chức và lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt – Xô.

Ông mất năm 1964 tại Hà Nội.

 

2. Đường số 332 Phạm Hùng, Phường 5 Quận 8 đặt tên HOÀNG KIM GIAO

- Lý trình: Từ đường Phạm Hùng đến đường 1107 Phạm Thế Hiển, Phường 5 Quận 8.

- Chiều dài: 450 m. Lộ giới hiện hữu: 12m.  Lộ giới quy hoạch: 12m.

- Tiểu sử nhân vật: HOÀNG KIM GIAO (1941 – 1968).

Liệt sĩ. Quê quán: Hải Phòng.

Ông xuất thân trong một gia đình cả bố mẹ đều hoạt động cách mạng.

Ông là một chiến sĩ trẻ, một trong ba mươi cán bộ, chiến sĩ được cử theo học lớp Vật lý khoá 6 (1961 - 1965) Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Sau khi ra trường, ông được điều động về Cục Nghiên cứu Kỹ thuật, thuộc Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Ông miệt mài học thêm chuyên ngành Vô tuyến Điện tử ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và học thêm ngoại ngữ.

Năm 1965, ông tham gia đề tài khoa học "Phá thuỷ lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông" do Bộ Quốc Phòng chủ trì.

Khi đề tài thành công, ông được giao nhiệm vụ phục vụ chiến trường và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phá bom nổ chậm, đã hướng dẫn cho các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong tháo gỡ và phá được hàng ngàn quả bom.

Ông đã anh dũng hy sinh cuối năm 1968 trong khi làm nhiệm vụ.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1996, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng khoa học cao nhất của Việt Nam). Và nhiều phần thưởng cao quý khác: Huân chương Chiến công hạng nhì, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

3. Đường 318 Phạm Hùng, Phường 5 Quận 8 đặt tên THANH LOAN

- Lý trình: từ đường Phạm Hùng đến đường số 1011 Phạm Thế Hiển, Phường 5 Quận 8.

- Chiều dài: 310 m. Lộ giới hiện hữu: 14m.  Lộ giới quy hoạch: 14m.

- Tiểu sử nhân vật: THANH LOAN (NGUYỄN THỊ BA) (1917 – 1982)

Nghệ sĩ Cải lương. Tên thật là Nguyễn Thị Ba. Quê ở làng Phong Thới, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng với lòng yêu nghề và kiên nhẫn học hỏi bà đã trở thành diễn viên cải lương. Từ năm 1948 đến cuối thập niên 50, bà cộng tác, hát cho các đoàn: Việt kịch Năm Châu, Nam Tình, Phước Chung…và nơi bà để lại nhiều vai diễn nhất là sân khấu Thanh Minh. Bà nổi tiếng với các vai chính trong các vở: Hồn bướm mơ tiên, Gió ngựa truy phong, Đêm dài vô tận, Nỗi lòng chị bếp, Trường hận Dương Quý Phi, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt…

Bà không chỉ là nghệ sĩ sân khấu mà còn là một chiến sĩ cách mạng. Năm 1946, bà trở thành một cơ sở cách mạng hoạt động trong giới văn nghệ sĩ tại Sài Gòn. Tháng 11/1961, bà vào chiến khu chống Mỹ với chức danh Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đồng thời bà là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Ngày 20/02/1969, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, là Đại biểu Quốc hội khóa VI. Bà đã được Nhà nước tặng thưởng: danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất, truy tặng Huân chương Lao động hạng ba

Bà mất năm 1982 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

4. Đường 1011 Phạm Thế Hiển, Phường 5 Quận 8 đặt tên DƯƠNG QUANG ĐÔNG

- Lý trình: từ đường Phạm Thế Hiển đến đường số 394 Tạ Quang Bửu, Phường 5 Quận 8.

- Chiều dài: 1000 m. Lộ giới hiện hữu: 24m. Lộ giới quy hoạch: 24m.

- Tiểu sử nhân vật: DƯƠNG QUANG ĐÔNG (1905 – 2003)

Nhà cách mạng. Quê xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Năm 1920, ông học tại trường Nguyễn Xích Hồng (Gia Định), được ông Tôn Đức Thắng tổ chức vào Công hội bí mật tại Sài Gòn. Năm 1921, ông tham gia tổ chức các công, nông hội tại Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre. Từ năm 1921 đến năm 1926 ông hoạt động trong Công hội đỏ tại Sài Gòn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Tôn Đức Thắng. Năm 1940, ông bị bắt và bị đày đi Tà Lài. Năm 1941, cùng với bảy đồng chí khác (trong đó có Trần Văn Giàu) vượt ngục về Sài Gòn. Ngày 15/10/1943, thành lập Xứ ủy Nam Kỳ, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông là Phó phòng Hàng hải Nam Bộ, phụ trách văn phòng thường trực của ta tại Bangkok (Thái Lan). Tháng 2 năm 1946, ông phụ trách một đoàn do Xứ ủy cử đi Thái Lan, Campuchia và Malaysia với 5 nhiệm vụ, mà nhiệm vụ đầu tiên là lo vũ khí cho cuộc kháng chiến. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1951, ông bị bắt tại Thái Lan và bị trục xuất về nước.

Năm 1954, ông là Thành ủy viên phụ trách binh vận tại Sài Gòn. Năm 1958, ông được giao nhiệm vụ mở đường giao thông từ Lào về Hà Nội. Năm 1961, ông là Phó Ban Hàng hải tại Khu 9. Từ năm 1964 đến năm 1975, ông được giao nhiệm vụ tiếp tục mở các tuyến đường giao thông trong nước và các nước Thái Lan, Campuchia với Việt Nam.

Năm 1975, ông về hưu và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí thành phố Hồ Chí Minh (1977), Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh (1982). Ông được tặng thưởng: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh.

Ông mất năm 2003 tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

III. ĐƯỜNG THUỘC ĐỊA BÀN PHƯỜNG 7 QUẬN 8:

Có 02 tuyến đường Phường 7 đặt tên

1. Đường nối Ba Tơ – Phạm Thế Hiển, Phường 7, Quận 8 đặt tên LÊ BÔI

- Lý trình: Đường Phạm Thế Hiển đến đường Trịnh Quang Nghị (Ba Tơ cũ).

- Chiều dài: 790m. Lộ giới hiện hữu: 20m. Lộ giới quy hoạch: 20m.

- Tiểu sử nhân vật: LÊ BÔI (1380 – 1458)

Danh tướng đời Lê Thái Tổ, quê xã Tình Di, huyện Đỗ Gia (nay là xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Ông được sinh ra trong một gia đình khoa bảng, thời đất nước loạn lạc, giặc Minh xâm lược. Ông tham gia phong trào khởi nghĩa của Lê Lợi, được phong làm tướng chỉ huy một đội quân 500 người ở tại quê hương, đánh thắng giặc ở Khả Lưu Bồ Ải (huyện Thanh Chương - Nghệ An). Sau ông tham gia giải phóng Tân Bình, Thuận Hoá (1425), vây đánh thành Nghệ An khi chủ tướng Lê Lợi kéo quân ra Bắc (1426-1427).

Sau khi đánh bại quân Minh, Lê Lợi xưng Vương ban thưởng cho các văn thần, võ tướng tất cả có 93 người, trong đó có Lê Bôi. Ông từ xã Tình Di chuyển đến xã Việt Yên trở thành thuỷ tổ của họ Lê ở đây (nay là xã Tùng Ảnh).

Năm 1458, ông mất, con cháu dòng họ và nhân dân địa phương lập đền thờ tại xóm Bá Hiển, sau chuyển về thờ tại nhà thờ chi 3 họ Lê đại tôn thuộc xóm Vọng Sơn, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ ngày nay.

 

2. Đường vào Trung tâm Thương mại Bình Điền, Phường 7 Quận 8 đặt tên QUẢN TRỌNG LINH

- Lý trình: Từ đường Nguyễn Văn Linh đến sông Cần Giuộc.

- Chiều dài: 1080m. Lộ giới hiện hữu: 36m.

- Tiểu sử nhân vật:  QUẢN TRỌNG LINH (1907 1975)

Nhà hoạt động cách mạng. Bí danh Lê Minh. Quê quán: xã An Định, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

Năm 1928, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1930, ông được điều về công tác ở Ban Kinh tế của Lâm thời Xứ ủy Nam Kỳ. Ngày 19/6/1931, ông bị địch bắt ở Mỹ Tho. Ngay đêm đó, ông trốn thoát về Bạc Liêu, Rạch Giá và bị mất liên lạc với tổ chức Đảng. Ông tự tổ chức 2 nông hội phát triển thành 2 chi bộ, tổ chức thành công hai cuộc biểu tình đòi lại ruộng đất cho nông dân.

Năm 1937, ông bắt được liên lạc với Đảng và trở thành Đảng viên trực thuộc Đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn. Cũng trong năm này, ông lại bị địch bắt lần thứ 2. Năm 1938, ông bị Tòa Đại hình Sài Gòn kết án 15 năm tù và bị đày đi Côn Đảo. Năm 1941, ông vượt ngục về đến Gò Công thì bị bắt. Sau đó, ông bị Tòa Thượng thẩm Sài Gòn xử chồng án thêm 4 năm tù khổ sai ở Côn Đảo. Năm 1942, ông tiếp tục vượt ngục Côn Đảo (lần thứ 2) và lần này bị bắt lại ở Cà Mau. Cũng trong năm này, ông tiếp tục bị Tòa Thượng thẩm Sài Gòn xử chồng án thêm 5 năm.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông được rước về đất liền và được phân công làm Trung đội trưởng du kích quận Phong Điền (Cần Thơ). Năm 1946, ông làm cán bộ liên lạc đặc biệt của Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1947, ông là Bí thư Chi bộ Công an trực thuộc Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Đến tháng 8 năm 1948, ông  được cử làm Phó Ty Công an Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1949, ông được bầu làm Ủy viên Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Ngày 7 tháng 8 năm1949, ông bị cảnh sát đặc biệt miền Đông bắt  giữ và sau đó bị giam ở khám Chí Hòa. Năm 1951, ông là người đầu tiên đã vượt khám Chí Hoà thành công và về Dĩ An (Bình Dương) tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm kiểm soát viên công an đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1952, ông được cử đi học khóa Trường Chinh. Năm 1953, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Chấp pháp Sở Công an Nam Bộ.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, nhận công tác ở Bộ Công an và làm Trưởng Phòng V (Phòng Giao thông liên lạc Bắc – Nam) của Ủy ban Thống nhất cho đến ngày nghỉ hưu.

Ông được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (1999).  Ông mất năm 1975 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

IV. ĐƯỜNG THUỘC ĐỊA BÀN PHƯỜNG 16, QUẬN 8: Có 02 tuyến đường đặt tên

1. Đường số 41, Phường 16 Quận 8 đặt tên HOÀNG NGÂN

- Lý trình: từ đường An Dương Vương đến đường Phú Định, Phường 16 Quận 8.

- Chiều dài: 1064m. Lộ giới hiện hữu: 12m. Lộ giới quy hoạch: 20m.

- Tiểu sử nhân vật: HOÀNG NGÂN (1921 – 1949)

Tên thật là Phạm Thị Vân, là Anh hùng lực lượng vũ trang. Quê quán: gốc ở Nam Định, sinh tại Hải Phòng.

Bà tham gia cách mạng từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 17 tuổi. Bà lần lượt làm liên lạc cho Xứ uỷ Bắc Kỳ, cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Hải Phòng, Ban Thường vụ Hội Phụ nữ Bắc Kỳ. Bị thực dân bắt vào đầu năm 1944, bị kết án 12 năm tù và giam ở Hỏa Lò, Hà Nội.

Khi Nhật đảo chính Pháp, bà được thả tự do và nhận nhiệm vụ Bí thư Phụ nữ Cứu Quốc Hà Nội, tổ chức Đội nữ du kích Minh Khai để tham gia Tổng khởi nghĩa. Trong kháng chiến chống Pháp, bà làm Bí thư Phụ nữ Cứu Quốc Bắc Bộ, Bí thư Hội Phụ nữ Việt Nam, Tổng Biên tập đầu tiên của báo Phụ nữ Việt Nam xuất bản tại chiến khu. Do bị địch tra tấn dã man ngày trước nên sức khoẻ yếu, bà mất tại Việt Bắc năm 1949. 

Bà được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

 

2. Đường Số 42, Phường 16, Quận 8 đặt tên PHẠM ĐỨC SƠN

- Lý trình: Từ đường số 41 đến đường Trương Đình Hội.

- Chiều dài 781m. Lộ giới hiện hữu: 12m. Lộ giới quy hoạch: 20m.

- Tiểu sử nhân vật: PHẠM ĐỨC SƠN (1919 – 1969)

Ủy viên thường vụ khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Quê quán: phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1936, ông giác ngộ cách mạng. Năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại Hà Nội. Năm 1944, ông vào Nam Bộ xây dưng cơ sở cách mạng ở Gò Vấp, Hóc Môn tỉnh Gia Định, tham gia cướp chính quyền ở Hóc Môn và Sài Gòn năm 1945.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông liên tục hoạt động ở chiến trường Nam Bộ với những cương vị: Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Gia Định, tỉnh Sa Đéc, Uỷ viên Chánh trị trưởng, Quân khu uỷ viên Khu 8, Uỷ viên Ban Tuyên huấn Xứ  uỷ, Phó trưởng Ban Đảng vụ (Ban Tổ chức) Xứ uỷ Nam Bộ, Phó trưởng  ban Tổ chức Trung ương cục Miền Nam, Phó Bí thư tỉnh uỷ Sóc Trăng. Từ tháng 7.1954, đồng chí được phân công ở lại Miền Nam, tham gia Xứ uỷ Nam Bộ.

Năm 1959, ông ra miền Bắc làm Uỷ viên Ban Thống nhất Trung ương. Năm 1963, ông trở về chiến trường Miền Nam phụ trách Ban Binh vận Trung ương cục Miền Nam, sau đó về làm Uỷ viên Thường vụ Khu Sài Gòn – Gia Định. Năm 1964, ông là Bí thư Phân khu Bình Tân. Đây là chiến trường hết sức ác liệt nhưng ông cùng cán bộ chiến sĩ kiên cường bám trụ, gây dựng cơ sở cách mạng trong nội thành, xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang cho Phân khu. Đến đợt Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), ông là Bí thư Phân khu ủy, Chính ủy Phân khu 1 thuộc Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định mở rộng, một khu trọng yếu của chiến trường Miền Nam. Với cương vị phụ trách một mũi tiến công trọng yếu đánh vào Sài Gòn, sào huyệt đầu não của Mỹ – ngụy, ông đã tham gia các đợt tiến công lớn suốt năm 1968 đến đầu năm 1969. Tháng 3/1969, trên đường đi công tác, ông đã anh dũng hy sinh tại Bàu Dưng, ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. 

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ông đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh (2001) và nhiều phần thưởng cao quí khác./.

PHÒNG VH&TT QUẬN 8 


Số lượt người xem: 7554    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm