SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
8
5
1
0
Tin tức sự kiện 03 Tháng Sáu 2016 11:10:00 SA

Phương pháp giáo dục con trẻ và những điều tối kị

Con trẻ cần sự giáo dục và hướng dẫn của người lớn và môi trường an toàn để phát triển những kỹ năng và cá tính sáng tạo. Do đó, người lớn trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ cần dành nhiều thời gian bên con trẻ để tạo mối quan hệ thân thiết, gắn kết và cung cấp sự kích thích cần thiết cho sự phát triển của con trẻ là rất quan trọng. Thông qua việc chơi đùa cùng con trẻ, cha mẹ sẽ hiểu thêm sở thích, tính cách của con và giáo dục con trẻ tốt hơn.

Để nuôi dạy nuôi con trẻ thành công, cha mẹ cần thiết phải thiết lập một sợi dây thân tình với con, dựa trên nền tảng yêu thương và gần gũi. Thường xuyên trò chuyện, tâm sự, chơi đùa và học cùng con. Sự yêu thương của cha mẹ còn thể hiện qua cách chăm sóc con mình từ những việc nhỏ nhặt nhất. Ví dụ như khi cho con ăn dặm, cha mẹ luôn tự tay tìm kiếm nguyên liệu, chế biến thức ăn và kiên trì tập cho con ăn. Hay như việc chọn tã, cha mẹ luôn tìm kiếm sản phẩm tốt nhất vì mong muốn đem lại sự thoải mái và giấc ngủ ngon cho con trẻ. Có thể thấy, ngôi nhà được xem như tổ ấm, nơi những đứa con được dỗ dành, yêu thương, được cư xử nhẹ nhàng, êm ái. Cũng chính sợi dây liên hệ mật thiết ấy, cha mẹ dạy dỗ con trẻ về đạo đức và cách xử sự ngoài xã hội, thông qua sự thuyết phục, đề nghị và khuyến khích, chứ không bằng cách la mắng hay đánh phạt. Bên cạnh việc chăm sóc, dạy dỗ con tại nhà, cha mẹ cũng rất quan tâm đến môi trường nhà trẻ của con. Cho con được học ở một ngôi trường tốt, vận động ngoài trời, được chơi đùa cùng bạn bè cùng trang lứa, được tham gia các hoạt ngoại khóa tại trường.

Ngay từ khi còn rất nhỏ, cha mẹ phải dạy cho con trẻ về tinh thần trách nhiệm, tính tự lập để không là gánh nặng cho người khác như: phải tự tay sắp xếp quần áo, vật dụng cá nhân vào giỏ xách và tự xách đồ đạc của mình mang ra xe khi đi du lịch. Tập rửa rau và vo gạo giúp cha mẹ nấu cơm. Cha mẹ và thầy cô phải đặt lòng tin ở trẻ, luôn tin tưởng và động viên, khích lệ là trẻ có thể làm được, có trách nhiệm và có thể giữ gìn được đồ đạc. Ngoài ra, cha mẹ còn tạo điều kiện để con trẻ có thể giúp mẹ chuẩn bị bữa ăn, gấp quần áo, đưa võng trông em, cầm chổi quét phòng sau khi ăn           

Tuy nhiên, lời nói của cha mẹ, thầy cô có thể khiến trái tim con trẻ xích lại gần với họ, cũng có thể khiến con trẻ ngày càng sợ hãi, xa lánh. Rất nhiều bậc cha mẹ, thầy cô khi dạy dỗ con cái thường không chú ý đến điều này, vì vậy họ không đạt được mục đích giáo dục, ngược lại dẫn đến con trẻ có những phản ứng ngỗ ngược, đối phó. Sau đây là những điều tối kị khi giáo dục con trẻ:

1.Không dùng những lời lẽ thô bạo, đao to búa lớn:

            Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con trẻ, trẻ sẽ rất dễ dàng bắt chước những lời nói suồng sã, thô bạo từ người thầy đầu tiên này, từ đó hình thành nên thói quen xấu và tính cách cọc cằn, thô lỗ. Đồng thời, khi phải thường xuyên nghe những lời mắng nhiếc, con trẻ sẽ luôn lầm lì sợ sệt và cảm thấy lẻ loi trong chính ngôi nhà của mình.

 

2.Khi nói chuyện với con trẻ không nên tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm

            Người lớn đôi khi tỏ ra không mấy quan tâm, thậm chí là bực mình vì những câu hỏi vu vơ của trẻ, vì vậy thường trả lời qua quýt hoặc không trả lời chúng. Tất cả những thái độ cử chỉ tưởng chừng như vô cùng nhỏ nhặt này lại khiến trẻ tủi thân vì cảm thấy mình không được bố mẹ quan tâm và yêu thưng đúng mức. Lâu dần, trẻ sẽ không còn mạnh dạn đưa ra câu hỏi, vì vậy tính cách ưa tìm tòi khám phá sẽ dần trở nên thui chột.

 

3.Tránh nhục mạ, mắng nhiếc con trẻ:                                                                                                               

            Ngày từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên tránh dùng những câu nói kiểu “Đồ đần độn!”, “Sao ngu thế?!”… khi phê bình hay giáo dục con trẻ. Những câu nói kiểu này xúc phạm trẻ, khiến trẻ nảy sinh tâm lý chống đối và bất mãn, đồng thời làm tổn thương đến lòng tự trọng của con trẻ.

4.Cần tôn trọng ý kiến của con trẻ:

            Khi trẻ đang trình bày lý do hay nguyện vọng, cha mẹ không nên cắt ngang theo kiểu “Im ngay, ba/mẹ không muốn nghe, con đi đi…”. Như vậy, hình thành trong trẻ suy nghĩ phản kháng “Bố mẹ không nghe mình nói, mình cũng chẳng cần phải nghe bố mẹ nói”.

5.Không lập lờ nước đôi:

            Khi trẻ đòi hỏi điều gì, cha mẹ cần trả lời dứt khoát, một là một, hai là hai. Khi trẻ thắc mắc điều gì, cha mẹ biết thì nói là biết, không biết thì cần nói không biết và sau khi tìm hiểu phải giải thích lại cho con trẻ một cách tỉ mỉ. Thái độ ậm ừ cho qua, hoặc chần chừ thiếu dứt khoát của người lớn khiến cho con trẻ cảm thấy  không được tôn trọng, không tin tưởng vào cha mẹ mình. Đôi khi, ở trẻ sẽ xuất hiện tâm lý thích đòi hỏi, ỉ ôi để thỏa mãn sở thích cá nhân.

            Trên đây là một số phương pháp để cha mẹ áp dụng trong việc giáo dục con trẻ và những thói quen cha mẹ cần tránh khi giáo dục con trẻ. Vì cha mẹ không biết rằng chính cách giáo dục đó của cha mẹ khiến cho con trẻ trở nên lì lợm, khó bảo hơn dẫn đến trẻ phản ứng đối phó với mọi người.

Bích Ly – UBND P14 


Số lượt người xem: 1869    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm