SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
5
2
3
7
8
Tin tức sự kiện 10 Tháng Ba 2016 3:05:00 CH

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN (tiếp theo) Kỳ 3 “ Ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN (tiếp theo)

Kỳ 3 “ Ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”

Ngày 25 tháng 6 năm 2015 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2015.

Để phục vụ cho công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số quy định về “ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

1. Về hồ sơ ứng cử và thời gian nộp hồ sơ ứng cử: (Điều 35 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân).

- Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật này phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được Quốc hội quyết định là ngày 22 tháng 5 năm 2016, như vậy thời gian công dân ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất 17 giờ 00 ngày 13 tháng 3 năm 2016.

- Hồ sơ ứng cử bao gồm:

         +  Đơn ứng cử;

         + Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;

         + Tiểu sử tóm tắt;

         + Ba ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm. (không kể ảnh dán trên Sơ yếu lý lịch và Tiểu sử tóm tắt).

        + Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2. Về nộp hồ sơ ứng cử: (Điều 36 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân).

- Việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện như sau:

         + Người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Hội đồng bầu cử quốc gia;

         + Người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên;

- Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nộp một bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở đơn vị hành chính mà mình ứng cử. Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.

Đồng thời tại Khoản 3, Điều 36, Luật này cũng quy định rõ: “Công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân ở một cấp”.

Ví dụ: Bà Trần Thị B nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì có thể nộp thêm hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện hoặc ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

Nếu Bà Trần Thị B nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ có thể nộp thêm hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện hoặc ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

Song song tại Điều 37, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng quy định những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Cụ thể:

- Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

- Người đang bị khởi tố bị can.

- Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.

- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.

- Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Và cũng cần lưu ý, tại Điều 2 Luật này đã quy định rõ về tuổi ứng cử là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ hai mươi mốt (21) tuổi trở lên mới có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp./.

HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUẬN 8


Số lượt người xem: 1215    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm