SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
0
5
5
4
7
Tin tức sự kiện 30 Tháng Mười Hai 2015 1:55:00 CH

NỘI DUNG MỚI MỘT SỐ VBQPPL CÓ HIỆU LỰC TỪ 01-01-2016

Từ ngày 01-01-2016, hàng loạt chính sách mới sẽ có hiệu lực thi hành như tăng lương, đóng BHXH, thời hạn cấp đổi giấy phép lái xe… Xin giới thiệu một số chính sách mới nổi bật đó là:

1. Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ 01-01-2016

Phân định rõ thẩm quyền giữa các cấp chính quyền. Từ ngày 1-1-2016, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015  có hiệu lực. Thay thế cho Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân  năm 2003, Luật Tổ chức chính quyền địa phương bổ sung những quy định mới nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời kế thừa những nội dung hợp lý và sửa đổi, bổ sung các bất cập, vướng mắc trong thực tế. Những quy định mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bộ máy chính quyền địa phương hoạt động ngày càng có chất lượng, hiệu quả, giúp HĐND các cấp khẳng định vị trí cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Để cụ thể hóa khoản 2 Điều 111 Hiến pháp năm 2013 “Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức HĐND và UBND (cấp chính quyền địa phương), đồng thời chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kể từ ngày 1-1-2016. UBND huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường (như TPHCM) tiếp tục giữ nguyên cơ cấu tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đến khi bầu ra chính quyền địa phương ở huyện, quận, phường theo quy định của luật.

Đối với đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo, tổ chức chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện tại hải đảo chia thành các đơn vị hành chính cấp xã thì tại đơn vị hành chính cấp xã cũng tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng có HĐND và UBND với cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Một trong những điểm mới trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương là việc phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định 6 nguyên tắc phân định thẩm quyền, trong đó đáng chú ý là: Bảo đảm quản lý Nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia; phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật; việc phân định thẩm quyền phải phù hợp điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đặc thù của các ngành, lĩnh vực; chính quyền địa phương được bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp...

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương sẽ có một số điểm mới cơ bản. Cụ thể: nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hướng chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, giảm dần xuống cấp huyện đến cấp xã để tránh tình trạng dồn việc về cấp cơ sở mà không tính đến khả năng đáp ứng của từng cấp chính quyền; theo đó, chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn tập trung thực hiện quản lý theo lãnh thổ; ở địa bàn đô thị chú trọng thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực. Chính quyền địa phương sẽ quyết định những vấn đề của địa phương trong phạm vi được phân quyền, phân cấp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền...

Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND trên các lĩnh vực nhằm thể hiện rõ sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất giữa hai thiết chế HĐND và UBND hợp thành chính quyền địa phương.

- Chính quyền địa phương ở thành phố, thị xã ngoài việc quyết định các vấn đề của địa phương như đối với địa bàn nông thôn, còn tập trung quyết định các vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, quản lý và tổ chức đời sống dân cư đô thị...

Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương quận và phường đã được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu quản lý thống nhất, liên thông trong khu vực nội thành, nội thị tại các đô thị. Ngoài việc thực hiện chức năng đại diện và giám sát theo quy định chung, còn tập trung thực hiện hai nhóm nhiệm vụ liên quan đến việc quyết định các vấn đề ở địa phương, gồm: Thông qua ngân sách quận, phường theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; bầu nhân sự của HĐND, UBND cùng cấp.

2. Tăng lương tối thiểu vùng

Theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ (quy định mức lương tối thiểu vùng) thì từ ngày 1-1-2016, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp được tăng như sau:

Vùng I: 3,5 triệu đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015);

Vùng II: 3,1 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với năm 2015);

Vùng III: 2,7 triệu đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với năm 2015);

Vùng IV: 2,4 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với năm 2015).

3. Vợ sinh con, chồng được nghỉ

Luật BHXH số 58/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2016 quy định: Lao động nam khi vợ sinh con sẽ được nghỉ năm ngày làm việc. Nếu vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh non (sinh con dưới 32 tuần tuổi) thì chồng được nghỉ bảy ngày. Trong trường hợp vợ sinh đôi, chồng sẽ được nghỉ 10 ngày (từ sinh ba trở lên, thêm mỗi con được nghỉ thêm ba ngày làm việc). Nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày làm việc.

Như vậy sau nhiều năm bàn thảo, quy định tiến bộ này lần đầu tiên được đưa vào luật như một sự nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới. Trong đó, bình đẳng giới còn được hiểu là chồng phải được tạo điều kiện để cáng đáng, giúp đỡ vợ khi vợ sinh con mà biểu hiện cụ thể nhất là khi vợ sinh chồng phải được nghỉ. Điều này ngay cả trong Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng không hề đề cập.

4. Được nhận BHXH một lần

Nghị quyết 93/2015/QH13 của Quốc Hội 13 về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động có hiệu lực từ ngày 01-7-2016 quy định: Từ 01-01-2016, người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

5. Đóng BHXH theo mức thu nhập

Theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính Phủ, từ ngày 01-01-2016 đến 31-12-2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Từ ngày 01-01-2018 trở đi tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

6. Thay đổi thời hạn giấy phép lái xe

Thông tư 58/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT (quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016) quy định: Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam. Nếu người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thi lấy bằng lái xe này thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.

Thông tư 58/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT cũng quy định việc chuyển giấy phép lái xe sang vật liệu PET theo lộ trình sau: Giấy phép lái ô tô và giấy phép lái xe hạng A4: Trước ngày 31-12-2016; giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3): trước ngày 31-12-2020. Sau sáu tháng theo lộ trình chuyển đổi trên, người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe.

7. Ô tô bốn chỗ cũng phải trang bị PCCC

Từ 01-01-2016, ô tô từ bốn chỗ ngồi trở lên, rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc chở khách được kéo bởi ô tô, máy kéo; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ không phụ thuộc số chỗ ngồi phải trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ CA hướng dẫn trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, quy định như trên.

8. Tăng mức phạt vi phạm về tem, nhãn hàng hóa

Tăng mức phạt tối đa đối với các vi phạm về sản xuất tem, nhãn, bao bì giả từ 20 triệu lên 30 triệu đồng (tùy mức độ vi phạm). Giảm mức phạt tiền đối với vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh từ 30 triệu đồng xuống 15 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm có nội dung này. Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực thi hành từ ngày 05-01-2016.

9. Thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự 24 tháng

Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng (quy định cũ gồm hai mức 18 tháng và 24 tháng). Trường hợp cần thiết có thể gia hạn nhưng tối đa không qua sáu tháng; đồng thời cho phép công dân nữ được đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Độ tuổi nhập ngũ vẫn từ 18 đến 25 tuổi. Tuy nhiên, luật bổ sung thêm quy định: Đối với sinh viên đại học, cao đẳng hệ chính quy thì được tạm hoãn nhập ngũ, độ tuổi sẽ kéo dài hết 27 tuổi. Sau khi thôi học, những đối tượng này phải chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự về nơi cư trú, làm việc mới của mình. Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2016 quy định.

10. Hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn

Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính Phủ về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn (có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2016) quy định: Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân (từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ và đủ 60 tuổi trở lên đối với nam) không có người phụng dưỡng; người khuyết tật nặng; mắc bệnh nặng cần chữa trị dài ngày sẽ được trợ cấp 1 triệu đồng/người/tháng. Ngoài mức trợ cấp hằng tháng, các đối tượng này còn được Nhà nước đóng BHYT với mức đóng như đối với người thuộc hộ nghèo. Đồng thời, khi các đối tượng này chết sẽ được hỗ trợ chi phí mai táng là 7 triệu đồng.

Nguyễn Văn Dũng- Phòng Tư pháp Quận 8 


Số lượt người xem: 1923    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm