SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
0
9
3
7
5
5
Tin tức sự kiện 15 Tháng Tám 2015 10:00:00 SA

Kỳ 82: Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục nước nhà

Cách mạng Tháng 8 thành công, chấm dứt thời kỳ nô lệ của nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Chính quyền phong kiến triều Nguyễn sụp đổ hoàn toàn. Chủ quyền đất nước đã về tay nhân dân. Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội. Tại căn nhà số 48 Phố Hàng Ngang, Bác viết bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người thay mặt toàn thể đồng bào cả nước đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và khẳng định ý chí quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc. 70 năm đã đi qua, nhưng âm vang lời Bác vẫn còn vang vọng mãi đến ngày nay và mãi mãi về sau.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người luôn quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Trong thư gửi giáo viên và học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Bác căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Và hàng năm cứ đến ngày khai giảng năm học mới, nhiều thế hệ thầy, cô giáo, học sinh lại nhớ đến những lời dạy quý báu của Bác, người đã để lại cho dân tộc ta, nhân dân ta một di sản tinh thần vô giá. Trong di sản tinh thần ấy, có tâm huyết, tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Bác dành cho ngành giáo dục.

Một năm học mới lại về, càng suy ngẫm về những lời căn dặn của Bác, chúng ta càng thấm thía những nỗi băn khoăn, trăn trở của Người đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Theo Bác: “Giáo dục là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Cha mẹ, thầy cô và người lớn cần phải cùng nhau phụ trách, trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc… Các em cần rèn luyện cái đức tính thành thật và dũng cảm. Ở trường, thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Ở nhà, thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ. Ở xã hội, thì tùy sức mình mà tham gia những việc có lợi ích chung”. Đồng  thời Bác nhắn nhủ những người làm công tác giáo dục cần biết kết hợp 3 môi trường giáo dục: Nhà trường, gia đình và xã hội để giúp các em học sinh hoàn thiện nhân cách, trí tuệ, sức khỏe. Riêng “Thầy cô giáo tùy vào hoàn cảnh và khả năng của mình, cần tích cực tham gia vào những công tác xã hội, ích nước lợi dân… phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng và Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang”.

Những năm cuối đời, dù tuổi cao sức yếu nhưng Bác vẫn luôn theo dõi từng bước đi của ngành giáo dục, với mong muốn đội ngũ thầy cô giáo “triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao phó, luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng”. Có thể nói rằng, những lời nhắn nhủ của Bác trong bức tâm thư đầu tiên (9/1945) cho tới bức thư cuối cùng (10/1968) vẫn còn nguyên giá trị, là báu vật thiêng liêng, chứa đựng những tình cảm sâu sắc mà Bác dành cho các thế hệ học sinh và giáo viên.

Năm học 2015 - 2016 đã chính thức bắt đầu trên toàn quốc với bao rộn ràng và phấn khởi. Hòa trong không khí chung đó, để xứng đáng với sự quan tâm đặc biệt và lòng mong mỏi thiết tha của Người, Đảng bộ, chính quyền Quận 8 nói chung và toàn thể giáo viên và học sinh Quận 8 nói riêng tiếp tục nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng thêm những ngôi trường khang trang, đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu học tập và rèn luyện của con em Quận 8. Đội ngũ giáo viên không ngừng học tập nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn bó với nghề; các em học tích cực học tập, trui rèn nhân cách nhằm nâng dần chất lượng giáo dục tại địa phương, tạo những bước phát triển mới góp phần cùng ngành giáo dục thành phố gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa.

BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8 


Số lượt người xem: 1496    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm