SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
8
4
4
3
Tin tức sự kiện 18 Tháng Tư 2014 2:40:00 CH

Một số điểm mới của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Hiến pháp được thông qua tại kỳ họp thứ sáu - Quốc hội khóa XIII gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Hiến pháp đã quy định bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người. Sửa đổi trong Hiến pháp đều hướng tới nhân dân, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân, đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước để phục vụ nhân dân tốt hơn, bước đầu xây dựng cơ chế nhằm giảm tham ô, nhũng nhiễu người dân, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân được thực hiện một cách thực chất hơn trong thực tế.

Ngay phần lời nói đầu của Hiến pháp đã được hoàn thiện, ngắn gọn hơn nhưng vẫn phản ánh được lịch sử hào hùng của dân tộc và những mốc lịch sử quan trọng, những thành quả cách mạng đã đạt được. Lời nói đầu của Hiến pháp đã thể hiện ý chí, quyết tâm của nhân dân ta, thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tiếp theo chương quy định về chế độ chính trị là chương quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đây cũng là một điểm mới, thể hiện tầm quan trọng của quyền con người trong Hiến pháp. Trong Hiến pháp 1992, vấn đề này được quy định tại chương 5 về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Với việc ghi nhận trong Hiến pháp về quyền con người đã đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta tham gia ký kết. Hiến pháp đã làm rõ hơn các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân; thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Hai điểm mới đó là ghi nhận về quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và mọi người có quyền sống.

Đáng lưu ý, Hiến pháp mới tiếp tục khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế Nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thừa nhận các hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Hiến pháp làm rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong thống lĩnh lực lượng vũ trang; giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân. Quy định làm cơ sở để lực lượng vũ trang tham gia vào việc bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới, từng bước nâng cao vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc tổ chức chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hiện nay đều giống nhau ở các loại đơn vị hành chính đã tạo ra sự rập khuôn, cứng nhắc, ít phân biệt được sự khác nhau trong quản lý hành chính Nhà nước ở đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo và cũng không bảo đảm được tính tập trung cao từ trung ương xuống địa phương. Hiến pháp sửa đổi đã tạo cơ sở cho việc quy định mở về chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Nếu coi Hiến pháp 1992 hướng tới đổi mới chính quyền ở trung ương (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao) thì Hiến pháp 2013 hướng tới đổi mới chính quyền địa phương (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân) và các cơ quan tư pháp ở địa phương (Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân) tuy chưa thật rõ nét nhưng là những định hướng cơ bản cho việc đổi mới chính quyền địa phương sau này.

Cũng tại Hiến pháp mới, Kiểm toán Nhà nước đã và đang hoạt động, nhưng lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp, thể hiện vị trí, vai trò của cơ quan này, từng bước tạo sự kiểm soát độc lập việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Việc nâng cao vai trò Kiểm toán Nhà nước phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như mong muốn góp phần giảm tham nhũng, lãng phí trong bộ máy Nhà nước.

Một cơ quan mới, lần đầu tiên thành lập là Hội đồng bầu cử quốc gia. Trước đây, mỗi khi tiến hành bầu cử đều thành lập Hội đồng bầu cử có tính lâm thời, hoạt động trong thời gian ngắn (khoảng sáu tháng), khi bầu cử xong thì Hội đồng bầu cử hoàn thành nhiệm vụ. Việc có Hội đồng bầu cử quốc gia hoạt động thường xuyên, thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn chủ quyền nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế định bầu cử. 

Có thể nói, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.

(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)

 


Số lượt người xem: 4347    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm