SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
1
4
6
6
4
Tin tức sự kiện 31 Tháng Ba 2014 3:40:00 CH

Làm gì để chống chủ nghĩa cá nhân

Năm 2014, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo quán triệt trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân chủ đề năm 2014 là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”.

Nội dung bài viết này đề cập đến vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân vì trong ba nội dung trên thì chống chủ nghĩa cá nhân là rất quan trọng. Bởi phải quét sạch hết chủ nghĩa cá nhân ra khỏi tư tưởng, hành động của từng cán bộ, đảng viên thì lúc đó mới có thể toàn tâm, toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.

Trong câu chuyện về sự ra đời tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, ban đầu khi dự thảo tác phẩm Bác đặt tên “Chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Trước khi chính thức phát hành Bác hỏi ý kiến các đồng chí trong Văn phòng, đa số các đồng chí đều tán thành với đồng chí cán bộ Tuyên huấn muốn đổi tên thành “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” nhưng Bác giải thích “Ví như gia đình các chú mua sắm được bộ bàn ghế, gường tủ mới, vậy trước khi kê vào phòng, các chú có quét dọn nhà cửa sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu mà khiêng bàn ghế, giường tủ vào?. Do số đông ý kiến đều muốn đổi tên tiêu đề, vì tôn trọng ý kiến tập thể Bác đồng ý đổi tên, nhưng Bác đề nghị vẫn giữ nguyên ý đó trong bài viết. Bác cũng từng nói “Muốn xây dựng thắng lợi xã hội chủ nghĩa, thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác chỉ ra chủ nghĩa cá nhân sinh ra những bệnh sau đây:

Bệnh tham lam: Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình

Bệnh lười biếng: Tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó đùn cho người khác. Gặp nguy hiểm thì tìm cách trốn tránh.

Bệnh hiếu danh: Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay. Những người đó chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực.

Bệnh kéo bè kéo cánh: Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì dù người tốt cũng cho là xấu, tìm cách dìm người đó xuống

Bệnh xu nịnh, a dua: Những người này thì trước mặt ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ bườm, không có khí khái.

Ngày nay, chủ nghĩa cá nhân không chỉ dừng lại ở những căn bệnh trên mà nó đã biến tướng thành những biểu hiện tinh vi hơn, đó là:

+ Sự nhiệt tình cách mạng giả tạo:  vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng làm việc “nhiệt tình, hăng say vì cách mạng” nhưng thực tế là để trục lợi cho cá nhân, phục vụ cho mục đích riêng của mình đã được tính toán trước, là cách “thả con tép bắt con tôm”.

+ Cơ hội: Những người này thường cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, có thể không phải từ chính bằng năng lực của mình mà giành thành tích từ người khác, thường xu nịnh người có quyền có chức để được lòng, để được đề bạt, kéo bè kéo cánh để khi có cơ hội là leo lên vị trí mình mong muốn, để vụ lợi cho cá nhân.

+ Tỵ nạnh, hạ uy tín người khác để ngoi lên: những người này vì hẹp hòi cá nhân mà tỵ nạnh với đồng nghiệp, với cả cấp trên hoặc cấp dưới của mình, không muốn ai hơn mình, từ đó tìm mọi cách hạ uy tín người khác để ngoi lên.

Nhìn chung những người mắc bệnh chủ nghĩa cá nhân đều có chung một biểu hiện là tham lam và hiếu danh. Mà đã tham lam thì dù có tạo vỏ bọc bề ngoài kín đáo, hào nhoáng thì cũng không qua mắt được quần chúng. Bởi việc làm của họ chỉ mang đến lợi ích cho cá nhân hơn là đem lại lợi ích cho Đảng, cho nhân dân.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” khẳng định “Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trên cơ sở đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố; đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng.

Tuy nhiên Nghị quyết cũng chỉ rõ “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạc lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc …”

Những thực trạng này đã được Bác dự đoán từ rất sớm. Vậy làm gì để chống chủ nghĩa cá nhân? Bác cho rằng thái độ đúng đắn đối với những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân là:

- Phân tích rõ ràng cái gì đúng, cái gì sai.

- Không để ảnh hưởng những chủ trương sai lầm, những phần tử không tốt. Ra sức học tập và nâng cao kiểu mẫu tốt.

- Không để mặc kệ mà ra sức đấu tranh giúp họ sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển và có hại cho Đảng.

- Không làm cách máy móc, khéo dùng cách tự phê bình và phê bình để giúp đồng chí sửa chữa sai lầm, khuyết điểm và tiến bộ.

- Đoàn kết Đảng bằng sự đấu tranh nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng. 

Phòng chống tiêu cực trong hệ thống chính trị, trước hết là trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, công chức nhà nước phải bắt đầu từ phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Ở mỗi cơ quan, đơn vị đều có thể có những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân khác nhau. Năm 2014, với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” là cơ hội để từng tổ chức Đảng thông qua sinh hoạt, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, uốn nắn những đảng viên còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Muốn làm được điều này, vai trò nêu gương của cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo là hết sức quan trọng. Từng cá nhân tự soi rọi bản thân mình, thật thà nhận ra khuyết điểm, đăng ký chương trình tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ đó tự phấn đấu và chi bộ giúp đỡ để ngày càng tiến bộ.

Đồng thời phải tổ chức sinh hoạt sâu từng nội dung chủ đề trong chi bộ, có thể chia ra sinh hoạt chuyên đề trong chi bộ hàng quý theo từng nội dung “nâng cao tinh thần trách nhiệm”, nội dung “chống chủ nghĩa cá nhân”, và “nói đi đôi với làm”, trong sinh hoạt có liên hệ đến thực tiễn của chi bộ, liên hệ bản thân từng đồng chí đảng viên, chi bộ góp ý cho đảng viên, giúp đảng viên đề ra phương hướng khắc phục. Thực hiện tự phê bình và phê bình chân thành trong chi bộ, với tinh thần tự giác là chính gắn với khắc phục những hạn chế khuyết điểm theo kết luận Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) sẽ góp phần chống chủ nghĩa cá nhân trong từng đảng viên, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân.

 

 (Ngọc Diễm – Ban Tuyên giáo Quận ủy)

 


Số lượt người xem: 2354    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm