SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
0
3
4
8
9
1
Tin tức sự kiện 22 Tháng Sáu 2011 2:00:00 CH

Nội dung chủ yếu Luật Phòng, chống mua bán người

Luật Phòng, chống mua bán người gồm 8 chương, 58 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012, đã xác định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: Hành vi mua bán người theo quy định của Bộ luật Hình sự và các hành vi trực tiếp liên quan đến việc mua bán người mà Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liệt vào danh sách các hành vi buôn bán người để điều chỉnh một cách đầy đủ, toàn diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Bên cạnh việc xác định các nguyên tắc phòng, chống mua bán người, Luật cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước trong phòng, chống mua bán người. Trong đó đáng chú ý là chính sách kết hợp phòng, chống mua bán người với việc thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các chương trình khác về phát triển kinh tế-xã hội.

- Về Phòng ngừa mua bán người. Chương II của Luật gồm 12 điều quy định về việc phòng ngừa mua bán người, nội dung chia làm hai nhóm:

Nhóm thứ nhất từ Điều 7 đến Điều 11 quy định về các biện pháp phòng ngừa chung, bao gồm: thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người; tư vấn về phòng ngừa mua bán người; quản lý về an ninh, trật tự; quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ; lòng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội.

Nhóm thứ hai từ Điều 12 đến Điều 18 quy định về việc phát hiện, tố giác, tố cáo, báo tin về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; giải quyết các tin báo, tố giác, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người. Luật nhấn mạnh trách nhiệm phát hiện hành vi vi thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra cung như việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm thông qua hoạt động nghiệp vụ của lực lượng phòng, chống mua bán người trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân.

- Về phần xử lý. Điều 23 của Luật quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm và chủ yếu việc dẫn sang các văn bản có liên quan, đồng thời, xác định nguyên tắc, “Người giả mạo là nạn nhân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ đã nhận”.

- Về Tiếp nhận, xác minh nạn nhân; bảo vệ nạn nhân. Vấn đề tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân được quy định tại chương IV của Luật. Quy định về quy trình tiếp nhận, xác minh nạn nhân và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân đến khai báo; xác định cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân cũng như căn cứ xác định và các loại giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân.

Luật xác định Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội là đầu mối chính tiếp nhận và hỗ trợ cho nạn nhân. Tuy nhiên, để tạo thận lợi cho nạn nhân thì Luật cũng quy định trước khi đến với Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội, nạn nhân có thể được một số cơ quan khác tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu trong trường hợp cần thiết như: Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan giải cứu, cơ quan, tổ chức khác,…

Theo Điều 24 và khoản 3 Điều 26 của Luật thì nạn nhân bị mua bán trong nước hoặc từ nước ngoài tự trở về cũng như người đại diện hợp pháp của họ có thể đến Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất khai báo về việc bị mua bán. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận khai báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc hỗ trợ ban đầu các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong những trường hợp cần thiết và thông báo ngay với Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn chậm nhất là 3 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân trong trường hợp nạn nhân chưa có giây tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân.

Căn cứ vào giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân hoặc kết quả xác định thông tin ban đầu về nạn nhân, Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội xem xét để thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại trong trường hợp nạn nhân tự trở về nơi cư trú; đối với nạn nhân là trẻ em thì thông báo cho thân nhân đến hoặc bố trí người đưa về tận nơi thân nhân cư trú; trường hợp nạn nhân cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý và có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân là trẻ em không có nơi nương tựa thì làm thủ tục chuyển giao cho Cơ sở bảo trợ xã hội hoặc Cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Theo Điều 25 của Luật thì cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đã giải cứu nạn nhân, có trách nhiệm hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong trường hợp cần thiết, cấp giấy xác nhận nạn nhân và chuyển ngay người đó đến Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội gần nơi nạn nhân được giải cứu.

Sau khi tiếp nhận nạn nhân, Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội thực hiện các công việc như đối với nạn nhân được mua bán trong nước hoặc từ nước ngoài tự trở về. Trường hợp nạn nhân chưa được cơ quan giải cứu cấp giấy xác nhận nạn nhân, thì Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân cho cơ sở bảo trợ xã hội  hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

- Về hỗ trợ nạn nhân. Vấn đề hỗ trợ nạn nhân, bao gồm các chế độ hỗ trợ nạn nhân, đối tượng được hưởng hỗ trợ và cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân được quy định tại chương V của Luật từ Điều 32 đến Điều 40. Trước hết, Luật quy định về 6 chế độ hỗ trợ nạn nhân, bao gồm: hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

Điều 32 của Luật xác định rõ những đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ nạn nhân và các chế độ mà từng đối tượng được hưởng trên tinh thần có sự phân biệt giữa các đối tượng, đồng thời, giao cho Chính phủ quy định chi tiết về các chế độ hỗ trợ; trình tự, thủ tục thực hiện các chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân.

- Trách nhiệm trong phòng, chống mua bán người

Chương VI của Luật gồm 12 điều quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, xác định cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong phòng, chống mua bán người và quy định về trách nhiệm của Chính phủ, của một số Bộ và địa phương trong phòng, chống mua bán người. Luật giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng chống mua bán người. Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người và giữ vai trò chủ trì trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người. Bộ Quốc phòng chủ trì công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người ở địa bàn khu vực biên giới, hải đảo và trên biển. Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội chủ trì trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của một số bộ, ban, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người, đặc biệt là các Bộ quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ có nguy cơ bị lợi dụng để mua bán người như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 52 của Luật xác định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức công tác phòng, chống mua bán người ở địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân để khai báo trong trường hợp cần thiết và tiếp tục hỗ trợ nạn nhân ổn định cuộc sống, hòa nhập công đồng.

- Hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người. Chương VII của Luật gồm 4 Điều quy định về vấn đề hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, bao gồm một số nguyên tắc hợp tác quốc tế và thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, trong đó có cả giải cứu và hồi hương nạn nhân cũng như tương trợ tư pháp trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người.

(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)

 


Số lượt người xem: 2716    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm