SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
5
1
4
0
4
Tin tức sự kiện 29 Tháng Sáu 2012 2:50:00 CH

Thông tin pháp luật tháng 6/2012

THÔNG TIN PHÁP LUẬT THÁNG 6/2012

-----

 

 

 

(Ảnh: Toàn cảnh phiên họp bế mạc tại hội trường của Quốc hội – Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII)

         

  Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, đã thông qua 13 dự án luật. Trong đó có những dự án luật rất quan trọng như: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Giáo dục đại học; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước...

- Với 92,99% đại biểu có mặt tán thành, Luật Bảo hiểm tiền gửi được thông qua nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Quốc hội thống nhất, chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân và chỉ bảo hiểm đối với các khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là pháp nhân, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí.

- Với 93,19% đại biểu có mặt tán thành thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền sau khi đã được chỉnh lý và thể hiện lại phạm vi điều chỉnh, quy định rõ: Việc phòng, chống hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của Bộ luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố. Về các hành vi bị cấm, Luật đã bổ sung hành vi tổ chức hoạt động rửa tiền nhằm thể hiện rõ quan điểm phòng, chống rửa tiền từ người chủ trì tổ chức đến người tham gia hoặc góp sức.

- Luật Giáo dục đại học được thông qua với số tán thành 84,57% nhằm góp phần quan trọng điều chỉnh, khắc phục nhiều vấn đề cơ bản, cấp bách và tác động tích cực đổi mới hệ thống giáo dục đại học. Tư tưởng xuyên suốt của Luật là trao quyền tự chủ ở mức tối đa phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng và xếp hạng theo các tiêu chí: Vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục đại học; quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Chính phủ quy định tiêu chuẩn của từng cơ sở giáo dục đại học; ban hành khung xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học và tiêu chuẩn của từng hạng trong khung.

- Với 88,18% đại biểu có mặt đồng ý thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá với phạm vi điều chỉnh là các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao gói hoặc điếu thuốc lá; buôn bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu; quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng. Luật cũng nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua hoặc bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá....

- Với số tán thành 93,39%,đại biểu Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Một số điểm đáng chú ý trong Bộ luật lao động (sửa đổi) gồm 17 chương và 242 điều được thông qua lần này là lao động nữ sẽ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá hai tháng. Số giờ làm thêm của người lao động cũng được bảo đảm không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 1 ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.

- Các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá với 95,39% số phiếu tán thành. Luật Giá gồm có 5 Chương, 48 Điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước. Theo quy định của Luật, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Bãi bỏ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Với 92,99% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Giám định tư pháp. Luật này gồm có 8 Chương, 46 Điều quy định về giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định tư pháp, chế độ, chính sách trong hoạt động giám định tư pháp và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp. Luật giám định tư pháp sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính về giám định tư pháp có nội dung khác với Luật này thì áp dụng quy định của Luật này.

- Với 93,79% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật gồm có 5 Chương, 41 Điều quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

- Với 85,77% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm 6 Chương, 142 Điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính. Đối với Luật Xử lý vi phạm hành chính, thay vì mức tối đa 500 triệu đồng như trước đây, Luật mới quy định mức phạt cao nhất với cá nhân lên tới 1 tỷ đồng và với tổ chức là 2 tỷ đồng nhằm bảo đảm tính răn đe. Tuy nhiên, mức phạt này chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp, đối với một số lĩnh vực, như quản lý các vùng biển, đảo, thềm lục địa, quản lý hạt nhân, chất phóng xạ, tiền tệ, ngân hàng, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường... Đặc biệt là áp dụng đối với người nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta để thăm dò, khai thác tài nguyên trái phép. Bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

- Với 90,18% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). Luật này gồm có 6 Chương, 33 Điều quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; chức năng, quyền và trách nhiệm của Công đoàn; quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn. Trong đó, có nội dung đáng chú ý đối với Luật Công đoàn (sửa đổi) là lao động người nước ngoài không được gia nhập Công đoàn Việt Nam. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

           - Với 97,39% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quảng cáo.Theo Luật Quảng cáo, từ 01/01/2013, sẽ cấm quảng cáo đối với thuốc lá,  rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo; thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục; súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực...Thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình theo quy định của Luật Quảng cáo không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác. Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo. Luật Quảng cáo giao cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.

           - Với 95,79%, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm bảo đảm sự thống nhất với Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam xem xét, thông qua tại kỳ họp này, các luật chuyên ngành và các tuyên bố của Nhà nước Việt Nam để khẳng định chủ quyền của Việt Nam phù hợp với Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế. Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên đã được điều chỉnh bởi Luật khoáng sản nên không quy định trong luật này.

- Với 99,79% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Biển Việt Nam. Luật gồm có 7 chương, 55 điều. Luật  có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

 

(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)

 


Số lượt người xem: 3428    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm