SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
1
0
3
2
Tin tức sự kiện 04 Tháng Tư 2012 5:40:00 CH

Những điểm mới của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của bộ luật tố tụng dân sự

HIỂU LUẬT ĐỂ SỐNG ĐÚNG

Những điểm mới của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của bộ luật tố tụng dân sự

 

 

 

(Ảnh: Quang cảnh kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự)

 

            Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 09 thông qua ngày 29/03/2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.

            Luật Tố tụng dân sự 2011, bãi bỏ 8 Điều luật, bổ sung 11 Điều, sửa đổi 41 điều luật cũ.  Ngoài những phần chỉ sửa đổi câu chữ, sắp xếp lại câu văn và không ảnh hưởng đến trình tự tố tụng cũ, có thể tổng hợp sáu nội dung sửa đổi, bổ sung chính như sau:

            1/- Mở rộng thẩm quyền tòa án:

            a) Thẩm quyền chung của tòa án:

            - Điều 25 “Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án” bổ sung 3 loại tranh chấp sau:

            + Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

            + Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

            + Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

            - Điều 26 “Những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án” bổ sung tương ứng với Điều 25 về tranh chấp hai loại việc sau:

            + Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

            + Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

            - Điều 32a “Thẩm quyền của tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức” bổ sung quyền của Tòa án: khi giải quyết vụ việc dân sự, có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.

            - Điều 94 “Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ” quy định cá nhân, cơ quan lưu giữ chứng cứ không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của tòa án, viện kiểm sát thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

            b) Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ:

            - Điều 35: bổ sung thẩm quyền của tòa án liên quan đến các loại vụ việc mới: tòa án nơi có trụ sở công chứng, cơ quan thi hành án hoặc theo Luật Trọng tài thương mại.

            c) Thẩm quyền của tòa án cấp huyện:

            - Điều 33: thẩm quyền tòa án cấp huyện được mở rộng để giải quyết mọi tranh chấp về kinh doanh, thương mại. Đối với việc dân sự, tòa án cấp huyện chỉ bị giới hạn bởi loại yêu cầu quy định ở khoản 5 Điều 26 Luật Tố tụng dân sự 2011.

            2/- Những quy định ảnh hưởng đến quyền tố tụng của người dân

            - Điều 58 “Quyền và nghĩa vụ đương sự” sắp xếp lại quyền của đương sự, và quy định ở điểm o khoản 2, đương sự chỉ được đưa ra câu hỏi “khi được phép của Tòa án”.

            - Điều 176 “Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn”, Điều 177 “Quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” quy định bị đơn,  người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có yêu cầu phản tố trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

            - Điều 189 “Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sựbổ sung trường hợp “Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án mà thời hạn giải quyết đã hết”.

            - Điều 199 “Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” quy định: ở phiên tòa triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, một bên/các bên đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể vắng mặt và tòa sẽ hoãn xử. Ở phiên tòa triệu tập hợp lệ lần hai, tòa vẫn xử hoặc đình chỉ vụ án nếu có một bên/các bên vắng mặt.

            - Điều 262 “Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu” quy định tòa án chỉ chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và thời hạn để Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ là 15 ngày.

            3/- Thay đổi về thời hiệu khởi kiện

            - Điều 159 “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu” quy định “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện thì thực hiện như sau:

            a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai” thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;

            b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện dân sự là 2 năm” kể từ ngày biết quyền lợi mình bị xâm phạm.

            - Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự vẫn là 1 năm kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu.

            4/- Đưa viện kiểm sát vào tham gia phiên tòa

            a) Ở phiên tòa cấp sơ thẩm:

            - Điều 21 “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự” quy định ở cấp sơ thẩm viện kiểm sát tham gia vào:

            + Các phiên họp đối với các việc dân sự;

            + Các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.

            Ngoài ra, viện kiểm sát nhân dân còn tham gia vào các phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

            - Điều 234 “Phát biểu của kiểm sát viên” được thay đổi hoàn tòan. Kiểm sát viên không còn có ý kiến về việc giải quyết vụ án nữa. Kiểm sát viên chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán, hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án mà thôi.

            b) Ở cấp phúc thẩm:

            -  Điều 264 “Những người tham gia phiên tòa phúc thẩm” bổ sung sự tham gia bắt buộc của Viện kiểm sát ở cấp phúc thẩm.

            - Điều 273a “Phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm” được quy định sau phần tranh luận.

            5/- Thay đổi quy định về thủ tục giám đốc thẩm

            a) Quyền đề nghị giám đốc thẩm

            - Điều 284 “Phát hiện bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm” quy định đương sự có quyền đề nghị giám đốc thẩm trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.

            - Điều 284a bổ sung quy định về đơn đề nghị giám đốc thẩm.

            - Điều 284b “Thủ tục nhận và xem xét đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩmquy định đơn đề nghị phải được tòa án, viện kiểm sát vô sổ, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn. Các cơ quan còn phải phân công cán bộ nghiên cứu hồ sơ và thông báo kết quả cho đương sự biết.

            b) Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

            - Điều 288 “Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” vẫn là 03 năm nhưng có thể gia hạn thêm 02 năm nếu đương sự có đơn trong thời hạn 01 năm và tiếp tục có đơn sau thời hạn kháng nghị 03 năm.

            6/- Bổ sung thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán

            - Bổ sung Chương XIXa “Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao” gồm 2 Điều 310a và 310b.

            - Điều 310a “Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao” quy định:

            + Khi có yêu cầu của ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Thẩm phán phải xem xét lại quyết định.

            + Khi có kiến nghị của  ủy ban tư pháp Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án tòa án tối cao, Hội đồng Thẩm phán phải xem xét kiến nghị đó, không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản, đồng ý thì tiến hành việc xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán theo Điều 310b.

            - Điều 310b “Thủ tục và thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao” quy định Hội đồng Thẩm phán có thẩm quyền quyết định:

            a) Hủy quyết định của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và quyết định về nội dung vụ án;

            b) Hủy quyết định của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tòa án nhân dân tối cao có quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị hủy do lỗi vô ý hoặc cố ý và gây thiệt hại cho đương sự hoặc xác định trách nhiệm bồi hoàn giá trị tài sản theo quy định của pháp luật;

            c) Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật để giao hồ sơ vụ án cho tòa án cấp dưới giải quyết theo quy định của pháp luật.

            Nghị quyết 60/2011 ngày 29/03/2011 quy định về việc thi hành Luật Tố tụng dân sự 2011 có thể được tóm tắt như sau:

            + Việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm sau ngày 01/01/2012 được thực hiện theo Luật Tố tụng dân sự 2011.

            + Việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm trước ngày 01/01/2012 được thực hiện theo luật tố tụng dân sự 2004.

            + Riêng trong khoảng thời gian từ ngày 08/04/2011 đến ngày 01/01/2012, thời hạn, căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo Luật Tố tụng dân sự 2011.

 

(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)

 

 


Số lượt người xem: 3904    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm