CÔNG TRÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH CỦA BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8 “DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA"
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
5
1
2
9
9
NHÀ MINH ĐÔ HỘ ĐẠI VIỆT (1407 - 1427) 20 Tháng Mười 2011 9:35:00 CH

I. THIẾT LẬP BỘ MÁY CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ, THI HÀNH CHÍNH SÁCH ĐÀN ÁP, KHỦNG BỐ

Sau khi đặt được nền đô hộ ở Đại Việt, nhà Minh đã xoá bỏ tên Đại Việt của nước ta, đặt làm quận Giao Chỉ và tổ chức chính quyền đô hộ trên đất nước ta. Đứng đầu chính quyền đô hộ là ba ty: Thừa tuyên bố chính sứ ty (ty Bố chính), Đô chỉ huy sử ty (Đô ty), Đề hình án sát Ty (ty tư sát). Ba Ty đóng ở thành Đông Quan, chịu sự điều khiển, giám sát trực tiếp của triều đình nhà Minh. Dưới quận là phủ, châu, huyện.

Năm 1419, để nắm chắc các địa phương, nhà Minh lập ra đơn vị Lý gồm 110 hộ do Lý trưởng đứng đầu, Giáp có 10 hộ do giám thủ cai quản. Bên cạnh các cơ quan hành chính và tư pháp, có một hệ thống tổ chức quân sự đồ sộ nhằm sẵn sàng đàn áp các cuộc nổi dậy chống chính quyền đô hộ. Một hệ thống đồn luỹ mọc lên khắp nơi. Đối với nhân dân, chúng thi hành biện pháp kiểm soát chặt chẽ, dùng hình phạt tàn bạo để khủng bố, tiêu diệt tinh thần chống chính quyền đô hộ.

            Quan lại nhà Minh thi hành chính sách triệt để cướp bóc, vơ vét, quân Minh đã cướp của nước ta voi, ngựa, trâu, bò, thóc, thuyền và nhiều vàng bạc, châu báu đem về Trung Quốc. Chính quyền đô hộ tăng thuế ruộng đất. Tất cả nghề thủ công, buôn bán, v.v. đều bị đánh thuế. Chính quyền đô hộ kiểm soát việc sản xuất muối, nắm độc quyền buôn bán muối, nhân dân bị cưỡng bức đi khai thác vàng, bạc, mò ngọc trai dưới biển, khai thác lâm thổ sản, các hương liệu quý, đi lao dịch. Nhiều người còn bị bắt làm nô tỳ, hoặc bị bắt đưa về Trung Quốc, phục dịch bọn quan lại nhà Minh. Quân Minh còn cướp ruộng đất của nhân dân chung quanh trại của chúng, biến thành đồn điền giao cho quân lính cày cấy.

Các quan lại nhà Minh ráo riết thi hành chính sách ngu dân, đồng hoá dân tộc. Trong suốt hai mươi năm đô hộ nước ta (1407-1427), chính quyền đô hộ nhà Minh đã thực hiện nhiều chính sách và biện pháp từ tinh vi đến trắng trợn nhằm xoá bỏ quá khứ đấu tranh, dựng nước và giữ nước bất khuất của dân tộc ta, thủ tiêu những di sản văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Đại Việt để chiếm đóng vĩnh viễn đất nước ta. Nhà Minh nhiều lần đốt sách vở, kể cả sách học của trẻ em, phá huỷ các bia đá. Năm 1414, chính quyền đô hộ mở trường học ở phủ, châu, huyện để tuyên truyền, nhồi nhét tư tưởng mê tín với đội ngũ giáo viên là những thầy cúng, thầy chùa, thầy phù thuỷ, đạo sĩ. Chúng bắt dân ta ăn mặc theo phong tục tập quán người Hán. Năm 1414, cấm con trai, con gái không được cắt tóc ngắn, phụ nữ phải mặc áo ngắn, quần dài. Tháng 8 - 1418, chính quyền đô hộ tịch thu những sách còn sót lại đem về nước.

Hai mươi năm đô hộ của nhà Minh làm đình trệ nền kinh tế, đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ, những di sản văn hoá bị phá huỷ. Tuy nhiên, nền đô hộ tàn bạo của nhà Minh không tiêu diệt được ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta của dân tộc Việt Nam. Các cuộc khởi nghĩa đã sớm bùng lên liên tục cho tới khi đất nước được độc lập, tự chủ hoàn toàn.

BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8.

 

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Việt Nam tập 3, tác giả Hội đồng khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh –Viện khoa học xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh ,NXB Trẻ, năm 2007.

- Tiến trình Lịch sử Việt Nam, tác giả Nguyễn Quang Ngọc, NXB Giáo dục,  năm 2009.

- Thế thứ các triều vua Việt Nam, tác giả Nguyễn Khắc Thuần ,NXB Giáo dục, năm 2010.

- Tóm tắt các niên biểu sử Việt Nam, tác giả Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, NXB Văn hóa – thông tin, năm 2008.

- Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 2-3, Tác giả Nhóm Nhân văn trẻ,  NXB Trẻ, năm 2008.

- Hồn Việt số 32 tháng 2-2010.

- Các nhân vật lịch sử của NXB Giáo dục.

 


Số lượt người xem: 4663    
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Object reference not set to an instance of an object.
Tìm kiếm